Quá nửa đời phiêu dạt Tôi lại về úp mặt vào sông quê Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn... (trích Trường ca THỜI GIAN KHẮC KHOẢI - Lê Huy Mậu)

22/9/16

TỰ KỂ CHUYỆN MÌNH
1, mình với tiền đình
Ngày xửa, ngày xưa, mình bị bệnh tiền đình rất nặng. Nặng tới mức mình sắp nổi tiếng vì nó. Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch HNV, bấy giờ mình mới là “cảm tình Hội”, trong một lần họp gì đó ở Vũng Tàu, gặp mình, câu đầu tiên anh cũng hỏi: “Bệnh tiền đình của em thế nào rồi?”. Mình cảm động và hãnh diện lắm! Mình bị tiền đình mà anh Hữu Thỉnh cũng biết cơ mà! Thôi thì bao tai ương do tiền đình gây ra bỗng chốc quên hết. Nào thì là, một mình “hôn” một chiếc xe tải tại quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh; Nào thì là “hôn” cột điện tại thành phố Vũng Tàu. Một lần khâu 17 mũi trên đầu,. Một lần thì gãy mất một cái răng mặt tiền hàm dưới và cột điện còn ưu ái điểm chỉ cho mấy vết sẹo trên mặt bây giờ vẫn còn thấy mờ mờ. ..
Ưu điểm của hai lần đụng xe của mình là, lần nào mình cũng “lời”. Lần tại thành phố HCM, viện phí hết có 15 nghìn đồng, mà bảo hiểm xe ô tô bồi thường những bốn triệu rưỡi. Mình bày tỏ lòng biết ơn người dừng xe tải tải lại cho mình đụng, xong chở vào bệnh viện Thống Nhất miễn phí, bằng cách chia đôi số tiền bảo hiểm làm hai, mình lấy một nửa tiếp tục thuốc thang, nửa còn lại tặng cho vợ chồng người lái xe tải. Mình còn hứa sau này khỏi bệnh còn đến thăm họ nữa, nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được.
Lần thứ 2 tự ”hôn” cột điện cũng lời. Tiền thăm hỏi nếu quy ra bia cũng có thể đủ uống trong vài năm.
            Nhưng “lời” nhất lại là về chất xám. Sau đụng xe mình sáng láng hẳn lên. Trí nhớ tốt hơn và tư duy cũng mạch lạc hơn trước. Mình có chia sẻ điều này với cố nhà thơ Xuân Sách, ông bảo: Mày phải giữ bí mật về điều này, nếu để lộ ra mà thằng Đoan ( PVĐ) biết được, hắn cố tạo vụ tai nạn đụng xe để lấy thông minh là mày phải chịu trách nhiệm đấy! Bây giờ, Đ hết lái xe rồi, mình mới dám lộ bí mật của mình ra.
             Chuyện mình khỏi bệnh tiền đình mình đã kể rồi thì phải. Nhà thơ Thạch Quỳ luôn coi ông là người chữa khỏi bệnh tiền đình cho mình. Điều đó đúng! Nhưng cũng không thể phủ nhận “công lao” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Sau cái vụ mình vứt gốc cây khô trước nhà theo lời khuyên của Nguyễn Trọng Tạo thì bệnh tiền đình của mình nó cũng theo gốc cây mà bay biến đi mất.  Để bù vào sự “nổi tiếng” về bệnh tiền đình vốn có của mình, Nguyễn Trọng Tạo cho mình “ăn theo” ca khúc của lão. Nhờ vậy nhiều người mới biết đến mình và mình “chui´được vào HNV là cũng từ sau cái đận hết tiền đình đó!...
2- Mình và thuốc lá!

2- Thuốc lá
         Anh Võ Đăng Tín- Nguyên giám đốc nhà hát giao hưởng; Nguyên Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Hồ Chí Minh thấy mình thường hút thuốc Esse cây trúc, anh bảo: Thuốc ngoại không có tem dễ là thuốc dởm lắm ông ơi! Ông hút cái này có tem thuế cho nó chắc ăn! Mình rút một điếu thuốc lá Kent điếu nhỏ của Mỹ hút thấy nó hơi khét và nặng hơn thuốc Esse Hàn Quốc cây trúc một chút . Hỏi thì thấy giá cả trên thị trường cũng không chênh nhau bao nhiêu. Mình mua một gói hút thử. Nặng nhẹ thì hút vài hơi là nó quen, nhưng, nhìn cái hình cảnh báo trên gói thuốc thấy tởn quá. Người ta cách điệu một người ho lao gầy giơ xương trông còn khủng khiếp và ám ảnh hơn cả cái đầu lâu bị gạch chéo bởi hai khúc xương cảnh báo nguy hiểm ở các cột điện cao thế. Như thế chưa đủ, họ còn chua lên vỏ bao thuốc dòng chữ bằng 2 thứ tiếng (Anh và Việt) Hút thuốc có thể bị ung thư phổi… Cũng là để cảnh báo thôi, nhưng để cho người dùng liệu mà “dùng”. Có họa là người thần kinh mới bàng quan trước cảnh báo nguy hiểm khi hút thuốc lá.
           Thay vì xem cảnh báo đó mà tởn, mà bỏ hoặc ít hút đi, thì mình trốn nó bằng cách, không mua xài các loại thuốc có in cảnh báo trên vỏ bao. Không thể làm một người lì lợm khi người ta đã vì mình mà cảnh báo thế mà vẫn hút. Đành chọn cái anh Hàn Quốc chẳng có cảnh báo gì sất, viết gì trên đó mình cũng chẳng biết. Thế là yên tâm!.
            Mình hút thuốc lá từ bao giờ? Và bỏ đi, bỏ lại bao lần rồi? Không nhớ! Chỉ nhớ vài lần bỏ gần đây nhất mà thôi! Lần đầu là do vợ càm ràm, chì chiết suốt ngày vì tội hút thuốc quá thì bỏ. Nói bỏ là bỏ cái rụp. Không tơ vương, không vật vã thèm thuồng gì nữa sất. Bỏ thuốc là thấy khỏe ra ngay. Tối không còn có cảm giác ngứa cổ. Sáng đánh răng không có ho khạc ra đờm nữa. Đặc biệt là ăn rất ngon miệng. Ăn gì cũng thấy ngon cả. Lúc bỏ mình cân nặng 58 ki-lô. Chỉ ít lâu sau bỏ thuốc mình tăng lên 62 ki-lô. Người đã chẳng cao, mập lên trông lại càng lùn tệ.        Nhưng, đó chưa phải là toàn bộ “ tác lợi” của bỏ thuốc lá. Sáu tháng sau, có đợt khám sức khỏe tổng quát, đọc cái kết quả mình bỗng phát hoảng. Men gan, mỡ máu, axit uric, lượng đường trong máu… đều tăng ở mức “báo động đỏ”. Tim, mạch vành đều có vấn đề. Tất cả đều phải dùng thuốc kèm theo một chế độ ăn kiêng hết sức nghiêm ngặt. Nhìn kết quả khám nghiệm bà vợ mình hốt hoảng thực sự. Sẵn bà bác sĩ quen thân, bà ấy “đốt” thêm cho nữa, thế là mình thành “người bất bình thường”. Mình thành người có vấn đề về sức khỏe, có chế độ ăn riêng, “nửa thầy chùa, nửa người phàm” rất bất tiện. Khốn khổ, mình là người của hàng quán. Có giữ gìn chỉ là lúc chưa uống, còn uống vào rồi là quên hết cả lời bác sĩ lẫn lời vợ dặn dò. Đã thế, cái miệng lại “thích đủ thứ” của ngon vật lạ nữa. Vợ hết càm ràm về vụ hút thuốc lá hại sức khỏe, bây giờ lại có cớ càm ràm về việc ăn uống bạt mạng, không nhớ là mình đang “bệnh một đống” trong người gì cả. Thế là, lúc tiệc tùng, nhớ lời vợ dặn kiêng ăn, mình bập bẹ tập hút thuốc lại. Chẳng bao lâu sau lại hút lại như thường. Lại còn hút dữ hơn cả khi chưa bỏ nữa.! 
        “Tác hại” của hút thuốc lá lại, là, 6 tháng sau, lại có đợt đi khám sức khỏe tổng quát, Thật không tin nổi, chuyện như là chuyện phịa, nhờ hút thuốc lá lại, lý lịch sức khỏe của mình lại đẹp như mơ. Cầm cái kết quả về “trình lên, thưa vợ”, vợ không tin, sợ ông này móc ngoặc với bác sĩ về lừa mình, bà đòi đi cùng mình vào nghe bác sĩ tư vấn sức khỏe. Bà ngẩn ra, không nói được gì! Mình thì vui vì “bách bệnh tiêu tán”, còn vợ thì buồn vì, hết “sự quan trọng”của mình và, “hết thiêng”bởi những bài học về ăn kiêng bả đọc được trên báo.
Mình bỏ thuốc lần 3, lần 4, không còn vì lý do sức khỏe nữa, mà là vì “yếu tố văn hóa”…
Hôm qua, có người nhắn tin, bảo anh viết thế này thì gay quá, ông xã em đang muốn bỏ thuốc lá, đọc bài của anh lại thay đổi ý kiến rồi! Em bắt đền anh đấy! 
Vì lẽ đó, trước khi nói về yếu tố văn hóa của hút thuốc lá, tôi khẳng định lại, rằng : Hút thuốc có hại cho sức khỏe- đó vừa là thực tế, vừa là chân lý. Tôi không dại dột gì chứng minh ngược lại. Nhưng, ở đời, luôn có cái “nhưng”. Không có gì là hoàn tốt và cũng không có gì là hoàn toàn xấu. Tôi hay nói đùa với vợ, khi bị phê phán về chuyện hút thuốc lá, rằng: “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng có lợi cho tinh thần”. Là ngụy biện thôi, nhưng thử hỏi, trong tự nhiên, thiếu gì của ngon vật lạ, béo bổ, ngọt bùi sao con người lại thường nghiện các thứ đắng cay, độc hại là sao? Người nghiện có phải ai cũng thất học hay ít học cả đâu! Biết độc, biết hại cả đấy, sao họ vẫn cứ nghiện? Thì ra nó có nguyên nhân của nó cả. Không riêng gì nguyên nhân tinh thần, tâm lý, mà nó có cả nguyên nhân sinh lý, nguyên nhân vật chất của nó nữa !. 
           Đã ai hiểu hết về con người đâu. Thậm chí, còn phân nửa con người, tức là nửa trìu tượng, nửa tâm linh con người vẫn còn là một bí ẩn khôn cùng. Hóa ra, không chỉ con người, mà vũ trụ cũng không hoàn toàn là vật chất. Hay nói cách khác, vật chất cũng có phần âm của nó. Cho nên sự hiểu biết về y học dù cao siêu tới đâu vẫn còn có chỗ cho những bất ngờ, cho những hy vọng của con người vào thần thánh hay thượng đế. Tôi không dám bàn sâu vào lĩnh vực này, nhưng khi bàn về việc bỏ thuốc lá chỉ vì lý do sức khỏe là chưa thấu đáo. Mà theo tôi, bỏ hay hút thuốc lá còn có khía cạnh văn hóa của nó nữa. 
               Tôi bỏ thuốc lá lần 3 và hoàn toàn vì lý do văn hóa. Bỗng đến một lúc nào đó, cầm điếu thuốc mình thấy ngượng. Mình thấy mình “ít văn hóa” hơn người khác. Tôi đã có mấy lần tự thấy xấu hổ khi hút thuốc lá rồi. Nhìn cả mấy trăm đại biểudự hội nghị quốc tế, giờ giải lao, tịch không thấy có khói thuốc lá đâu cả, trừ mình. Ngượng quá! Tôi vội dụi tắt thuốc lá và ném mẩu thuốc xuống rãnh nước. Và từ đó, chỉ những lúc vắng người, tôi vội rít vài hơi đỡ thèm, lấm lét nhìn xung quanh như thằng đang làm việc gì phi pháp vậy! Và nhiều lần khác nữa, tôi cũng có cảm giác mình “thiếu văn hóa” hơn người khác vì hút thuốc không đúng chỗ dành cho người hút thuốc. Chưa bị phạt vi cảnh nhưng tự cảm thấy xấu hổ. Và thế là bỏ thuốc! 
         Bây giờ tôi vẫn hút thuốc. Nhưng là hút vì "lý do sức khỏe". Như đã nói ở phần trên, 62 ki-lô đã ục ịch chậm chạp lắm rồi, bỏ thuốc lần 3 nó tăng lên 68, 69 ki-lô, trông giống như ông Di-Lặc, chán quá! Lẽ ra, bỏ thuốc phải đi bộ, phải thể dục thể thao, phải ngồi thiền, phải vv… nhưng mình không làm được, .! Giải pháp lười biếng và “thiếu văn hóa” của mình là, lại tìm về thuốc lá. Không hẳn là nghiện, mà là thói quen, mà là cách để hạn chế bớt ăn… Nếu bạn còn chưa bỏ được, hãy nghe tôi, hút thứ thuốc thật nhẹ, và bình tĩnh tiến tới ngày mà thuốc lá nó chủ động bỏ mình nữa, là xong!
          Hút thuốc hại sức khỏe! Hút thuốc là biểu hiện của người thiếu ý chí, thiếu hiểu biết, thiếu văn hóa… Hãy hiểu, người hút thuốc cũng vì nhiều lẽ lắm mà hoặc đã bỏ đi bỏ lại nhiều lần hoặc là chưa bỏ được đó thôi! Tôi tin là không ai muốn hút thuốc cả. Xưa thanh niên hút thuốc lá vì sĩ diện, nhưng nay, nó là một căn bệnh, thay vì người ta dung thuốc Tây, thuốc Bắc, thuốc Nam để chữa bệnh này, bệnh khác, thì nhiều người, trong đó có tôi, dùng thuốc lá để "chữa một căn bệnh vô hình nào đó", không biết thuốc lá có chữa được bệnh đó hay không, nhưng chắc chắn, tác dụng phụ của thuốc là hại phổi,và có thể dẫn tới ung thư phổi, chết người. Tôi hoàn toàn thông cảm với vợ anh Hưóng Giao Nguyễn, nếu phải chọn giữa ông chồng hút thuốc và ông chồng có bồ nhí, thì, dứt khoát nên chọn ông chồng hút thuốc chị nhé! Hãy coi như ông chồng mình mắc một thứ bệnh nào đó, mà có khi bệnh đó là bệnh yêu thầm, nhớ trộm một cô nào đó, ông đang dùng thuốc lá để cố chữa căn bệnh yêu người khác, ngoài vợ đấy!
              Càm ràm là cần thiết của mọi người vợ yêu chồng. Nhưng chỉ nên càm ràm vừa đủ thôi! Thưa ình yêu không sao cả, nhưng thừa càm ràm mệt óc lắm! Thư tất cả những người vợ yêu chồng trên trái đất!
7/3/2016


Best Blogger Tips
Đọc tiếp

23/8/16



CHUYỆN LÍNH, CHUYỆN ĐỜI NGUYỄN ĐÌNH THẮNG
( Đọc tập truyện “CHIẾN TRANH ĐÃ ĐI QUA” của Nguyễn Đình Thắng)
Tôi nhận được tập truyện “Chiến tranh đã đi qua” của anh Nguyễn Đình Thắng- một cán bộ đã nghỉ hưu, thường trú tại thành phố Cần Thơ với đề nghị rất chân tình: “ Bác đọc và viết giùm em vài lời giới thiệu”. Tôi nhận lời và nghĩ, cũng không cần gấp gáp lắm. Rồi công việc, họp hành, giao lưu, gặp gỡ bạn bè liên miên, chưa đọc được. Từ Cần Thơ, Nguyễn Đình Thắng gọi điện, bảo là Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân đã đồng ý và sẽ đưa vào kế hoạch xuất bản trong tháng 8 tới, bác cố gắng giúp em sơm sớm. Vậy nên, tôi dẹp mọi công việc của mình lại, đóng cửa không tiếp khách thứ bảy, chủ nhật để đọc và viết cho anh.
Thực ra, tập truyện cũng không quá dài, chỉ khoảng hai trăm trang in là cùng, đọc cũng nhanh thôi! Văn của Nguyễn Đình Thắng cũng dễ đọc. Rất ít lỗi văn phạm, và, đọc anh, tôi thật sự ngạc nhiên, anh là một kỹ sư Hóa- Thực phẩm nhưng lại tỏ ra rất chắc tay khi viết văn. Truyện của Nguyễn Đình Thắng là những câu chuyện có thật, gần như anh chỉ kể lại những câu chuyện của đời mình, của vùng quê thân thuộc của mình chứ không phải là góp nhặt nhiều câu chuyện có thật thành một “tác phẩm văn học” kiểu “ đem râu ông nọ cắm cằm bà kia” .
          Đọc truyện của Nguyễn Đình Thắng, không ít lần mắt tôi ngân ngấn nước. Nhiều chi tiết cảm động đến không cầm được nước mắt. Truyện “Hoa Hồng nở muộn”, theo tôi, là một truyện ngắn hoàn hảo. Từ lời văn, đến bố cục, tình tiết câu chuyện rất chặt chẽ và hợp lý. Một câu chuyện đầy tính nhân văn. Truyện “ Chiến tranh đã đi qua” được chọn làm tựa đề cho cả tập, là hồi ức chiến tranh, là cảm hứng chủ đạo trong tập sách này,
Hoàn cảnh trong truyện “ Chiến tranh đã đi qua” của Nguyễn Đình Thắng gợi cho tôi nhớ về một  thời lính của mình. Tôi cũng nhập ngũ từ Hà Nội. Đơn vị của tôi cũng toàn thanh niên trẻ từ các cơ quan Trung ương và sinh viên các trường đại học tại Hà Nội. Tình tiết hoàn cảnh có khác nhau, nhưng nó gần gũi với tôi tới nỗi, nhân vật của anh nghĩ gì, họ chia tay, nhung nhớ người yêu thế nào cứ y như lớp tôi thời ấy. Nguyễn Đình Thắng là người chịu khó ghi chép, quan sát, lại vốn là một học sinh giỏi văn, học chuyên văn, nhờ vậy, văn của anh sống động và chân thực đến từng chi tiết. Viết về chiến đấu, chiến tranh đã nhiều. Nguyễn Đình Thắng từ chỗ đứng, từ góc nhìn của mình đã khái quát, mô tả thật sắc nét về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.Trong sự khốc liệt của chiến tranh, hình ảnh người lính hiện lên thật bình dị nhưng cũng thật cao đẹp.Họ chiến đấu và hy sinh khi tuổi hãy còn rất trẻ. Phía sau họ là hâu phương, là hình ảnh người cha, người mẹ, người yêu với biết bao thân thương. Chiến tranh chẳng những đã chia cắt tình cảm thiêng liêng của con người, mà, quái ác hơn, nó còn cướp mất mạng sống của những người thân yêu; cướp mất  nguồn sống, nguồn hạnh phúc, nguồn hy vọng tương lai của họ . Mối tình đứt đoạn của Tân và Mai. Mối tình hạnh phúc nhưng bi thương của Cao và Trúc để lại nhiều, thật nhiều suy nghĩ cho người đọc. Sau hơn bốn mươi năm chiến tranh đã đi qua, đọc truyện của Nguyễn Đình Thắng, tôi thấy thật đau lòng trước hiện thực hôm nay. Nhiều chuyện tiêu cực mà báo chí đã nêu;  nhiều chuyện xuống cấp đạo đức, lối sống xẩy ra xung quanh mình, liên hệ với sự hy sinh cao cả của những người như Tân, như Cao, như các chiến sĩ trong những năm tháng chiến tranh đã qua thật đáng hổ thẹn.!
.         Nguyễn Đình Thắng trẻ hơn tôi sáu tuổi và nhập ngũ sau tôi vài năm. Là người Thanh Chương, nhưng mãi khi về hưu mới gặp, mới quen nhau. Người kết nối cho tôi và Nguyễn Đình Thắng gặp nhau là nhà thơ Đoàn Xuân Hòa- một bạn học bách khoa và nhập ngũ cùng ngày với Thắng. Ở tuổi tôi, cũng thật khó để kết thêm bạn mới. Do bận công việc, mấy lần Nguyễn Đình Thắng nhờ tôi đọc thơ, đọc nhật ký đời lính của anh, nhưng rồi, do bận bịu, tôi cũng chỉ đọc qua loa. Mãi tới trước khi viết bài này tôi mới đọc kỹ cuốn nhật ký chiến trường của anh và  mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Khác với nhiều người, anh không viết văn để xin vào hội này, hội khác. Anh viết văn như để trả nợ nghĩa tình đồng đội; nghĩa tình với quê hương, với người thân, với cuộc đời lính nhiều gian khổ, hy sinh của mình. Tôi cảm thấy thật áy náy, khi thời gian không có nhiều để viết kỹ hơn về anh, về tập truyện rất đáng đọc này.
Ai đó đã nói: “Văn là người”. Đọc văn hiểu người. Với Nguyễn Đình Thắng điều này đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi gặp trong văn anh những chi tiết của ký, của tự truyện. Tôi gặp trong văn anh chân dung tâm hồn trung thực của anh, và tôi tin anh đã sống, đã suy nghĩ, đã trải nghiệm đúng như những gì anh đã viết ra văn vậy. Truyện “Lỗi hẹn nơi chân trời” là câu chuyện tình có thật. Ngay cả tên nhân vật cũng là tên thật như trong nhật ký của anh. Những bài thơ tình trong truyện cũng là những bài thơ tình có thật, có địa chỉ người nhận và đã in dấu vết thời gian trong đó. Bởi bản thân mối tình nó trong trẻo, nó tự nhiên như thế, cho nên, khi kể lại, người đọc không có cảm giác tác giả “ sáng tác” thêm điều gì.  Chuyện thật, thường thì vì nó thật, cho nên, nó dễ rơi vào lối kể lể  “tự nhiên chủ nghĩa”. Nó dễ bị thừa ra những chi tiết vụn vặt. Chi tiết có thể đáng nhớ với người viết, nhưng là thừa với người đọc. Rất may, truyện của Nguyễn Đình Thắng tránh được những nhược điểm này.
Nếu có một điều gì đó cần góp ý với tác giả khi đọc xong tập truyện này, thì điều đó chính là, anh hơi bị “tham” khi nhắc tới các sự kiện, hoàn cảnh của câu chuyện, do vậy,  nên nhiều khi văn hơi bị “khô”. Giá như phần tả nhiều hơn một tý, bớt chi tiết sự kiện đi một tý, mà tăng phần xúc cảm lên thì nâng được chiều sâu tác phẩm hơn. Truyện “Huyền thoại Bàu Trênh” là một ví dụ cho nhận định đó! Tôi cho huyền thoại Bàu Trênh của Nguyễn Đình Thắng là một huyền thoại dân gian có nhiều tầng ý nghĩa nhân văn cần được khai thác. Nhiều đoạn viết hay, hấp dẫn, kỳ bí nhưng xen vào đó có những đoạn viết vội, kể lể và chưa được khai thác triệt để những tình tiết “Fulklo” của nó, nên chuyện bị lễnh loãng ra. Có chuyện không thực sự cần thiết như là chuyện ông Kết tàu viễn dương và cô vợ hờ mánh mung và bất nhẫn của ông ta, chẳng hạn. Có thể đấy là một câu chuyện nằm trong ý định kết cấu truyện của tác giả, nhưng nó bị rời ra khỏi tư tưởng nhân văn huyền thoại Bàu Trênh.
Đọc xong tập bản thảo của Nguyễn Đình Thắng, tôi đem chia sẻ cảm xúc của mình với vợ- một tác giả văn xuôi có bút danh Hội An. Tôi khen Nguyễn Đình Thắng viết văn hay. Và qua văn,  hiểu thêm được con người Nguyễn Đình Thắng, rồi than thở với vợ, rằng, nói thì dễ vậy, nhưng viết cho ra cái giới thiệu mệt lắm. Là than vậy thôi, mệt cũng phải viết, vì đọc mấy lời tự giới thiệu đầu sách “Nhật ký đời lính” của “lão này” thấy thương lắm!
Không biết có dụng ý hay vô tình, nhưng tác giả chỉ đề ngoài bìa là tập truyện mà không phải là tập truyện ngắn. Có gì khác nhau không? Tôi nghĩ là có. Chắc là tác giả cũng ngầm gửi tới người đọc một thông điệp, rằng, đây là những câu chuyện có thật, chuyện tôi, chuyện lính, chuyện đời của chính tôi. Là một người đọc, tôi hiểu điều này và rất tin vào sự chân thực của từng câu chuyện kể trong đó.
Hãy còn nhiều điều muốn chia sẻ kỹ hơn về tập truyện này;  muốn rút tỉa một vài đoạn dẫn dắt người đọc chú ý tới những tình tiết của câu chuyện,  nhưng, xin để một dịp khác, hoặc là, xin bạn đọc cảm nhận và viết tiếp những gì tôi còn để dở dang. Chúc tác giả Nguyễn Đình Thắng ngoan cường chiến thắng bệnh tật, di chứng của  chiến tranh để lại, để có đủ sức khỏe viết tiếp những câu chuyện lính, chuyện đời của mình mà tôi tin, anh còn rất nhiều những câu chuyện hấp dẫn và giàu chất nhân văn chưa viết ra!
Vũng Tàu 15/6/2016
Lê Huy Mậu





Đọc tiếp

25/5/16







CHÀO ÔBAMA!

Có một chút gì như hy vọng, như chờ đợi
Giữa những tháng ngày chẳng hy vọng, chẳng chờ đợi điều gì!

Tôi bỗng nghĩ
Khi Ôbama đến Việt Nam!
Chắc là ông cũng sẽ thấy gì đó đáng ngạc nhiên
Giống như tôi đã ngạc nhiên khi lần đầu đến Mỹ!

Tôi thì ngạc nhiên vì nước ông quá văn minh lịch sự
Còn ông ngạc nhiên gì về nước tôi hả ông Ôbama?
23/5/2016

THÔNG ĐIỆP OBAMA
Bước ra cửa máy bay
Obama miệng cười, tay vẫy
Lịch lãm. Tự tin. Chân thành. Giản dị
Ông là tổng thống nước Mỹ
Một trong mười nhân vật quyền lực nhất hành tinh
Nhưng những người dân nghèo chỉ thấy
Ôbama đôn hậu, hiền lành
Như không phải ông là vị khách của nguyên thủ quốc gia
Mà ông là vị khách của nhân dân
Người Hà Nội hay nói rộng ra cả nước
Ai cũng thầm mơ được gặp Obama!

Sáng nay
Trên các trang báo mạng
Tràn ngập hình ảnh tổng thống Obama
Ngồi ăn bún chả giữa nhửng người dân Việt Nam
Trong một quán ăn bình dân giữa thủ đô Hà Nội

Hơn mọi tuyên ngôn
Hơn mọi lời kêu gọi
Ông niềm nở bắt tay và chụp hình chung với người chủ quán
Chỉ ngần ấy thôi!
Dễ lắm!
Mà sao tôi thấy ông lồng lộng một tầm nhìn!

Như là bức thông điệp thân thiện và hòa bình
Chẳng có chữ vàng nào
Chẳng có ký kết giao kèo nào
Có hiệu lực bằng nụ cười chân thành rạng rỡ
Của tổng thống Obama và cô chủ quán bún chả
Obama- Obama!

24/5/2016
Đọc tiếp

19/5/16

TRẦM TÍCH HOÀNG TRẦN CƯƠNG     
                 


Tôi quen Hoàng Trần Cương khá muộn. Khi Cương đã nổi đình đám với trường ca “Trầm tích” .
Tôi gặp Cương lần đầu năm 2005, dịp đại hội nhà văn. Gặp trong cuộc nhậu. Sau này thì quen, không thấy lạ nữa, chứ lúc mới đầu, hãi lắm. Cương có vẻ ngoài nhìn rất “dữ tướng”. Bộ lông mày dài một cách khác thường. Gương mặt xương xẩu, nhấp nhô như địa hình huyện Đô Lương quê Cương.
Không hiểu sao, dù Cương trông “dữ tướng”, “ăn sóng nói gió thế”, nhưng tôi lại thấy mến mộ ngay. Bấy giờ, Cương đang là Tổng Biên tập tờ Thời báo Tài chính. Tôi gặp Cương cũng do Nguyễn Trọng Tạo. Vừa có cái “ Khúc hát sông quê” dính với Nguyễn Trọng Tạo một chút, nên cũng không đến nỗi “ vô tăm tích” trước Cương. Cương bảo: Mày hay thật, tao với Nguyễn Trọng Tạo uống với nhau hết cả mấy chum rượu, mà lão có phổ thơ tao bài nào đâu. Mày gặp lão có mấy ngày mà lão lại phổ được bài sông quê hay thế!
                       Sau lần nhậu với nhau hôm đó, là quen. Chả cần biết hồ sơ lý lịch, chả cần biết quá khứ , tương lai của nhau, cứ thế là quen, và thân nhau lúc nào không biết! Thực ra, tôi đọc thơ Hoàng Trần Cương nhiều rồi. Thơ Cương có cái cồn xoáy tâm cảm.  Hắn rất biết cách diễn tả cái bên trong, cái “cồn xoáy ” nội tâm thành ngôn ngữ, hình ảnh. Tôi thuộc thơ Cương không được nhiều, nhưng, đọc Cương thì thấy, Cương không chỉ hay ở một vài câu, vài bài, mà thơ Cương nói chung thường hay. Ít hay nhiều tùy bài, nhưng hay. Có nhiều tác giả thơ, có vài câu xuất thần, hay, nhưng đọc một tập thì thấy, họ có thế thôi đó. Tôi gọi những người hay như vậy là “hay lỏi”.
Nhân đây, cũng xin thưa một chút về quan niệm thơ của tôi. Tôi nhận xét về Cương như vậy, là cũng cân nhắc, chứ không phải vì quý nhau mà khen vống lên. Trước hết, tôi quan niệm, thơ là thứ được viết ra từ nội tâm. Nội tâm phải đầy, phải tràn trước đã. Phần sau mới đến ngôn ngữ, mới đến cấu trúc, tổ chức, diễn đạt, vv… Và tôi thấy, hình như cái logic nội tại của nghệ thuật ngôn ngữ, nó được cấu trúc từ bên trong, từ trước đó, chứ không phải là tới khi nhà thơ “làm” thơ, “nghĩ” thơ mới có. Nhà thơ Tùng Bách, lúc bia rượu,  hay mỉa mai những nhà thơ “vườn” là, lại “đặt” được bài thơ mới rồi à?
Khi đọc Hoàng Trần Cương  thì thấy, Cương không “đặt” thơ, Cương chỉ “quằn quại” với chữ nghĩa, nhằm diễn tả cái “đầy”, “cái tràn”, cái “cồn xoáy tâm cảm” của mình sao cho chuẩn xác nhất mà thôi. Sau này, uống rượu với Cương nhiều lần, tôi thấy, nhận xét của mình về Cương là khá chính xác. Cương đọc thơ vất vả như đi cày. Nguyễn Trọng Tạo bảo Cương “nạt” thơ chứ không phải đọc thơ. Thường rượu vào Cương hay “nạt” thơ. Cương muốn người khác phải chăm chú nghe thơ mình. Cương sợ, những chữ, những câu mà Cương bỏ cả “tim óc, gan ruột”ra để viết, “quằn quại” lắm mới tìm được cách diễn đạt  thích hợp, ưng ý lại bị người nghe hững hờ, bỏ sót..  Lúc đọc thơ, mới thấy, với Cương, thơ không phải chỉ là thú vui, là trò chơi chữ, mà là một thứ gì đó thiêng liêng và nghiêm túc lắm!
                       Cá tính sáng tạo, nhiều khi không tương thích với cá tính trong sinh hoạt, cá tính trong đời sống. Tôi thấy, nhiều nhà văn, mà đơn cử như nhà văn quá cố Nguyễn Đức Thọ chẳng hạn. Sinh thời, tôi có nhiều dịp đi lại, chơi bời với Nguyễn Đức Thọ. Trong đời thường, Thọ có vẻ  hời hợt. Nhiểu lúc, tôi nghĩ hắn là thằng “phổi bò”. Nhưng khi đọc văn hắn thì khác hẳn. Hắn sâu sắc và là một trong những ngòi bút bình tĩnh đến từng chi tiết. Hoàng Trần Cương cũng vậy. Hoàng Trần Cương trong các cuộc nhậu là một Hoàng Trần Cương hoàn toàn khác với Hoàng Trần Cương trong thơ. Tôi đồ rằng, Cương phải tĩnh tâm lắm mới có thể tìm nhặt được trong trầm tích tháng năm quá khứ những hóa thạch quý của niềm đau, nỗi khổ làm nên mình, làm nên văn hóa của quê hương mình. Không bỏ sót, cũng không nhặt ẩu. Chỉ riêng điều ấy thôi, nếu nóng nảy, vội vàng không làm được. Còn nhớ, có lần, tôi ra họp, ngủ cùng phòng với nhà thơ Văn Công Hùng. Cương rủ đi nhậu. Tôi rủ Văn Công Hùng cùng đi, nhưng dặn : Mày nhớ nhé, Hoàng Trần Cương nói gì, mày đừng cãi. Hắn tốt lắm nhưng dễ nổi nóng. Cãi nhau nhậu mất vui. Văn Công Hùng bảo: Gớm! bác lại còn phải dặn. Em lạ gì tính bác Cương nữa!
 Cương không những chỉ nổi tiếng về thơ, mà Cương nổi tiếng cả về cái sự “khó lường” khi rượu vào. Có điều, những người quen Cương rồi thì thấy, Cương rất hiền, Cương chỉ “nóng bậy” một chút thôi, xong thôi, không để bụng giận dỗi ai bao giờ.
                        
Tôi và Cương cùng tuổi, cùng quê Nghệ an. Huyện tôi và huyện Cương ngày xưa có chung một trường cấp ba. Có chung một bệnh viện . Khoảng cách về đĩa lý chừng độ 10 ki lô mét, nhưng khoảng cách về văn hóa thì gần như bằng không. Đọc thơ Hoàng Trần Cương  thấy gần gũi, quen  thuộc như là Cương viết cho cả nỗi niềm mình.

Cái nón mê mẹ đội nửa đời người
Khi  thủng chóp mẹ đội lên vại nhút.

Nhiều lắm, những câu thơ Hoàng Trần Cương khiến tôi có cảm giác như hắn là một nhà “ Nghệ An học” bằng thơ xuất sắc nhất của Nghệ An.  Nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiểu đã kỳ công ngồi nhặt ra những câu thơ hay của Hoàng Trần Cương. Phải đến mấy chục câu đặc sắc, mà phần nhiều trong số đó là viết về quê hương Nghệ An. Tôi không tiện nhắc lại. Tôi chỉ muốn nói thềm rằng, nếu tách phần thơ viết về Nghệ An  và Miền Trung, sẽ không còn hồn cốt thơ Hoàng Trần Cương nữa.
Ám  ảnh về tuổi thơ, về quá khứ nghèo khổ, cùng với những đặc trưng văn hóa rất riêng biệt của nông thôn Xứ Nghệ  nửa sau thế kỷ hai mươi là diện mạo tinh thần chủ yếu trong phong cách thơ Hoàng Trần Cương. Khi viết những dòng này, tôi bỗng nảy ra cái ý, phải chăng, với các nhà văn, xuất thân từ những vùng quê càng khắc nghiệt về điều kiện  tự nhiên bao nhiêu , càng cằn cỗi về điều kiện thổ nhưỡng bao nhiêu thì mảnh đất dành cho sáng tác của họ lại càng màu mỡ bấy nhiêu. Nói cách khác, nơi con người phải căng ra, phải trui rèn  cả về trí lực lẫn sức lực để chống chọi với hoàn cảnh sống để tồn tại, thì chính nơi đó, văn chương được hưởng lợi từ thực tế sống để viết. Những  trải nghiệm sống đến một lúc nào đó, nó trở thành một nhu cầu viết, nhu cầu được giải tỏa, nhu cầu được chuyển tải thành những tác phẩm văn chương. Nhà thơ Hữu Thỉnh, trong một bài phát biểu, trong hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, có nhắc lại câu nói nổi tiếng của Gớt, rằng, trí tuệ phát triển trong tĩnh lặng, nhưng tính cách hình thành trong bão táp. Người Nghệ, chất Nghệ, tính cách Nghệ có lẽ cũng được hình thành trong “ bão táp” của lịch sử và của thiên nhiên khắc nghiệt này chăng? Hoàng Trần Cương đã không ít lần thành công khi chuyển tải được những trải nghiệm về cái đói, cái nghèo khổ của chính mình, của quê hương mình vào những câu thơ hay một cách nhức nhối lòng người, như:

Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo cũng mọc trắng mặt người
Miền trung mỏng mà sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành giải lụa sông Lam.

Công bằng mà nói, phần thơ viết về quê hương, về miền Trung của Cương nổi trội hơn, ám ảnh hơn, nhưng, sẽ không đầy đủ, nếu bỏ sót chất lãng mạn, trữ tình trong thơ Cương. Tôi nhớ mãi, cảm giác lần đầu khi đọc chùm thơ được giải của Hoàng Trần Cương in trên báo Văn Nghệ. Bài “ Dấu vết tháng ngày” làm tôi sững sờ, bâng khuâng, tôi thích hơn cả bài Miền Trung :

Mỗi ngày tôi để lại vài vệt nắng trong mắt người thương nhớ 
Giọt mồ hôi rơi cuối buổi chiều 
Sợi tóc bạc hai đứa nhìn tiếc nuối 
Đôi nét buồn thổi lạnh mặt người yêu 

Năm tháng tạnh dần - mưa xối nắng thiêu 
Đêm trong, ngày đục 
Thác bỗng dựng ở nơi không gấp khúc 
Bợt bạt mặt người trong cơn giông... 

Mỗi ngày tôi để lại một vạt lo âu, một miền khắc khoải 
Nơi lưỡi cày vừa mới đi qua 
Chiều đứng lặng nghe tiếng người cuối bãi 
Trăng lại treo mơ mộng trước hiên nhà...


Khám phá và sáng tạo luôn là đòi hỏi khắt khe của các tác phẩm văn học. Hiện thực được nhắc đến trong thơ cùng lúc phải thỏa mãn đòi hỏi chi tiết, nhưng là chi tiết khái quát, chi tiết bản chất. Hay nói cách khác, cái gọi là “ tài năng” của nhà thơ chính là khả năng sáng tạo sao cho  chi tiết và  khái quát thống nhất và tôn cao nhau trong một tác phẩm. Bài “ Dấu vết tháng ngày” của Hoàng Trần Cương thoạt thì không có gì xa lạ, trong hình thức, trong nội dung, nhưng đọc xong thì thấy có dư vị nhân văn thật sâu sắc.

Nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Điệp, trong tiểu luận “Hoàng Trần Cương- Trầm tích của đất”  nhận xét: Hoàng Trần Cương viết về miền Trung bằng chất giọng miền Trung, diễn tả tâm hồn Xứ Nghệ bằng  chính cái nhìn riết róng của Xứ Nghệ, đó là nét độc đáo của Hoàng Trần Cương trong quá trình tạo dựng cái nhìn nghệ thuật của riêng ông”.
Những nón mê, vại nhút, chõng tre, chảo rang, sanh đồng sứt quai, khoai xéo, ngô dặt, mo nang, nùn rơm… vào thơ Hoàng Trần Cương đã trở thành những “hóa thạch” quý hiếm. Hoàng Trần Cương không ôn nghèo kể khổ, hay ít nhất cái ý đó cũng không lộ rõ trong thơ. Cái thấm thía trong thơ Cương chính là, thông qua những chi tiết đời sống Xứ Nghệ để  “diễn tả tâm hồn Xứ Nghệ bằng  chính cái nhìn riết róng của Xứ Nghệ”như nhận xét của Nguyễn Đăng Điệp.

Bạn bè văn nghệ, tôi nghĩ, muốn chơi với nhau, là phải từ hai phía. Trước hết là quý nhau về văn thơ. Sau đó là đến với nhau bằng chính “ chất người” của nhau. Nhớ năm tôi vừa miệt mài viết xong trường ca “Thời gian khắc khoải” của mình. Đang hưng phấn thì đọc được trường ca “Trầm tích” của Hoàng Trần Cương. Tôi thấy “Trầm tích” của Cương hay quá. Nể phục hắn quá. Nhìn lại trường ca của mình, tự dưng thấy cụt hết cả hứng. Tuy hoàn cảnh sự kiện khác nhau, nhưng tôi cũng một mạch cảm hứng từ quê, từ mình, từ “thời gian khổ”chiến tranh, từ được mất thành bại kiếp nhân sinh  mà hát lên. Nhưng, “Trầm tích” có độ “cồn xoáy tâm cảm” nhiếu hơn. Ám ảnh hơn. Sau đó, tôi dẹp cái trường ca của mình vào góc tủ. Khi Nguyễn Trọng Tạo vào Vũng Tàu dự trại sáng tác âm nhạc, tôi mới rụt rè gửi Nguyễn Trọng Tạo một chương ra Hà Nội in báo. Và Nguyễn Trọng Tạo đã từ chương này, chương “Khúc hát sông quê” mà viết thành ca khúc. Chính là bài hát có trước. Sau bài hát khá lâu, báo Văn Nghệ mới in bài thơ đầy đủ. Và Hoàng Trần Cương  cũng yêu bài hát ấy trước rồi mới đọc vào nguyên tác bài thơ. Một lần, tôi đang đi bộ thể dục trên sườn núi Lớn, bỗng nhận được điện thoại của Cương : Này M, cái câu “ Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng” của mày quá hay, tao càng ngẫm càng thấy hay, lão Tạo lão tài thật, lão chỉ rút tỉa bài thơ thành mấy câu hát, thế mà làm xao xuyến hết tất cả, mày ạ!
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám, một bạn rượu khá try kỷ của Cương có bài viết trên báo Dân trí, đọc Tám, tôi mới biết, Cương là đứa con của ba dòng sông: Sông Lam, Sông Hồng và sông Cầu. Cương  sinh ra ở làng Đặng Lâm, xã Đặng Sơn, Huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An nhưng lên 7 tuổi, Cương theo bố ra Hà Nội học tiểu học. Sang cấp II, lại quay về học ở làng Đặng Sơn, và 3 năm sau đó lại  ra Quế Võ, Bắc Ninh, nơi có con sông Cầu của các làng Quan họ để học cấp III. Như vậy, tính ra, bảy tuổi cọng ba năm, Cương chỉ có tất cả là mười năm tuổi trẻ ở quê, ấy vậy mà dòng sông Lam ám vào thơ Cương thật sâu sắc. Phải chăng, vì tuổi thơ Cương có đến ba dòng sông, nên Cương mới có cái để đối sánh. Trong mối quan hệ đối sánh đó, sông Lam trở nên rõ nét hơn chăng?
Cương rủ tôi cùng về Nghệ An, thuê một chiếc đò dọc, ngao du và uống rượu trên dòng sông quê hương. Đó là một ý tưởng đẹp, rất thơ mộng, nhưng đến nay, tôi và Cương vẫn chưa thực hiện được!
Cùng uống chung một dòng nước. Cùng có một tuổi thơ gắn bó với sông Lam. Tôi và Cương, là tôi vơ vào thế, đã ẩn mình vào trong dòng sông quê, và ít nhiều, tôi và Cương đã hát lên được chút gì đó về nỗi lòng mình trước dòng sông Lam quê hương “vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng!”./.
                                                               

                                                              Vt 16/4/2015 
Đọc tiếp

16/5/16

Nguyễn Tiến Hữu*
Hai đại thi hào dân tộc: Nguyễn Du và J.W.Goethe (Đức)
Nhân kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du
Đã có rất nhiều nghiên cứu về Nguyễn Du và truyện Kiều về mặt văn chương, triết lý, tôn giáo, bối cảnh lịch sử, tâm trạng tác giả… Trong bài này, chúng tôi muốn đem Nguyễn Du và truyện Kiều so sánh với một đại thi hào rất nổi tiếng thế giới: đó là thi hào J.W.goethe của dân tộc Đức và tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện Faust với những điểm tương đồng và khác biệt có thể coi như đại diện cho hai tính cách Đông phương và Tây phương.
I. Tác giả:
Nguyễn Du (1765 - 1820) sinh tại làng Tiên-Diền, Hà Tĩnh. Johann Wolfgang von Goethe (1769 - 1832) sinh tại thành phố Frankfurt am Main (nước Đức). Nguyễn Du lớn hơn Goethe 16 tuổi. Cả hai xuất thân từ một gia đình quyền quý, dòng dõi thế phiệt trâm anh. Thân sinh Nguyễn Du là Xuân quận công Nguyễn Nghiệm, mẹ là Trần Thi Tẩu nổi tiếng rất xinh đẹp và hát hay, có nhiều anh em làm quan đại thần. Bản thân Nguyễn Du từng là tri huyện, tri phủ, bố chánh, cần chánh điện đại học sĩ, hữu tham tri bộ lễ, chánh sứ đi Trung Quốc. Ông có kiến thức rộng về văn thơ, âm nhạc và binh thư. Ông sáng tác khá nhiều văn thơ bằng chữ Nho và chữ Nôm, nổi tiếng nhất là truyện Kiều.
Thân sinh của Goethe là nghị viện TP.Frankfurt, mẹ là con gái vị thanh tra giáo dục của thành phố. Gia đình thuộc dòng dõi quý tộc có học vấn cao. Goethe tốt nghiệp cử nhân luật. Ông học thêm nhiều ngoại ngữvà cổ ngữ châu Âu (La tinh, Do Thái… ) học thêm nhiều ngành khoa học nhân văn (văn học, lịch sử, nghệ thuật, hội họa… ) và khoa học tự nhiên (khoáng sản, thực vật học, kiến trúc, hóa học…) cả y học (giải phẫu). Ông đi du khảo trong nước và nhiều nước châu Âu. Ông hoạt động trong khá nhiều ngành: giảng dạy tại các Đại Học, giám đốc nhiều viện văn hóa và khoa học tự nhiên, giám đốc ngành khai mỏ, ngành xây dựng và cầu đường, bộ trưởng bộ chiến tranh (bộ quốc phòng bây giờ) thuộc lãnh địa công tước Karl August. Công tước này đã trao cho ông nhiều trọng trách, mời ông làm cố vấn tham gia cuộc chinh chiến đánh Pháp (1792) do chính công tước chỉ đạo. Nhờ sự học vấn uyên bác và hoạt động trong nhiều ngành ở nhiều cương vị lãnh đạo, Goethe giao lưu, kết bạn và trao đổi thư từ với nhiều chính khách và nhân vật nổi tiếng đương thời như Napoléon (lúc ấy đang chiếm đánh Đức,Áo...), các triết gia (Hegel, Kant, Schelling...) học giả ( Herder, Humboldt...), văn thi sĩ (Schiller, Hoelderlin, Lenz,...) nhạc sĩ Beethoven và hầu hết các nhà văn thơ lớn của các thời đại văn học Bão Táp và Xung Kích (1770 - 1785) và văn học cổ điển Đức (1786 - 1832). 
Gia tài trứ tác của Goethe rất lớn, lần xuất bản mới nhất toàn bộ sáng tác của ông gồm 60 bộ sách, bao gồm nhiều lãnh vực: thơ, kịch, tiểu thuyết, nhật ký du khảo, thư từ trao đổi với các chính khách học giả, văn thi sĩ, hồi ký, các khảo cứu về nhiều bộ môn khoa học tự nhiên.
II. Tác Phẩm: Truyện Kiều và Truyện Faust.
Nguyễn Du sáng tác cả văn thơ chữ Hán (202 bài thơ), phổ biến trong giới Nho học. Về chữ Nôm là tiếng dân tộc thì truyện Kiều (3.254 câu) là được phổ biến rộng rãi từ vua quan, trí thức đến đám dân thường, kể cả người không biết chữ, ai cũng thuộc vài đoạn, nhớ vài ba câu câu Kiều để ngâm nga. Kiều đã trở nên món ăn tinh thần và gắn bó vào cuộc sống của cả dân tộc. Không chỉ biết ngâm Kiều mà còn bói Kiều, tập Kiều, lấy Kiều, được đưa lên sân khấu tuồng, cải lương... Một số câu Kiều đã trở thành tục ngữ, ngạn ngôn thông dụng. Kiều đãgần như một thứ kinh thánh (1) để vận dụng hàng ngày. Kiều là kiệt tác, là tác phẩm cổ điển tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam được trích đoạn đưa vào sách giáo khoa, được bình luận rộng rãi qua nhiều thời đại, được sau này dịch ra nhiều tiếng nước ngoài.
Goethe đã sáng tác truyện Faust bằng thơ (dài đến 12.111 câu) có xen vài đoạn văn xuôi mang kịch tính. Faust là kiệt tác của văn học cổ điển Đức được phổ biến rộng rãi trong nước, được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường, được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài, trong đó có tiếng Việt.(2) Nhiều câu thơ của Faust đã trở thành châm ngôn, ngạn ngôn, những “lời hay ý đẹp” được xuất bản nhiều lần. (3) Nhà thơ người Đức Heine đánh giá Faust  là “Kinh thánh cuộc đời của dân tộc Đức” (4).
1/ Chủ đề của tác phẩm
Nàng Kiều thuộc giòng dõi danh giá, tài đức vẹn toàn, đã đính hôn với Kim Trọng. Bọn nha lại bất lương gây oán với gia đình, Kiều phải hy sinh tình riêng và bán mình chuộc cha cho trọn chữ hiếu làm con, chấp nhận hiểm nguy. Từ đó, nàng bị bọn buôn người xô đẩy vào cuộc đời gian truân, lận đận đầy oan trái trong suốt 15 năm,ba lần bị bán vào lầu xanh, ba lần tự tử vẫn không thể thoát được duyên số “tài mệnh”. Kiều là tiếng kêu bi thương ai oán của một người con gái tài ba đức hạnh mà phải cam phận sống cuộc đời oan trái tủi nhục do xã hội phong kiến suy đồi gây nên.
Chàng Faust là một thanh niên ham nghiên cứu khoa học với nghị lực phi thường để chinh phục thiên nhiên và phục vụ xã hội. Để thỏa mãn lòng đam mê tìm tòi hiểu biết của mình, Faust chấp nhận bán linh hồn mình cho quỷ Mephisto với cam kết nó sẽ giúp Faust thỏa mãn sự thèm khát hiểu biết, vươn tới sức mạnh trí tuệ cao độ. Từ đó Faust sống một cuộc đời hết sức hoạt động theo đuổi một sự nghiệp của nhà trí thức đầy trí tuệ  và năng động. Giai cấp tư sản Đức đang thời buổi phát triển, xem chàng Faust là một thách đố ngạo nghễ của giai cấp mình, là một anh hùng tư sản đang chống lại nền phong kiến đang tàn lụi.

2/ Bối cảnh lịch sử của Kiều Và Faust.
Kiều được viết trong lúc xã hội phong kiến Việt Nam tan rã thối nát, một thời loạn của thế kỷ XVIII. Triều Lê yếu kém, bị chúa Trịnh ức hiếp. Bọn quý tộc và quan lại, bọn sai nha, bà lớn cô chủ, kể cả tầng lớp kẻ sĩ đều tham ô, độc ác, hà hiếp dân nghèo. Đồng tiền ngự trị ở xã hội quyền thế. Bọn kiêu binh nổi dậy chém giết, tàn phá kinh thành, cướp bóc nhũng nhiệu. Các phong trào nông dân nổi lên khắp nơi, đặc biệt phong trào Tây Sơn hùng mạnh. Gia đình Nguyễn Du cũng bị liên lụy: dinh cơ của anh cả là Nguyễn Khản bị bọn kiêu binh đốt phá. Nhiều anh em họ hàng bị Tây Sơn giết chết. Chính Nguyễn Du cũng bị tù một thời gian. Sau đó phải sống chui lủi trốn tránh khắp nơi trong cảnh nghèo đói chia lìa. Đến đâu cũng phải chứng kiến cuộc đời đen bạc, loạn ly. Bối cảnh lịch sử xã hội ấy ảnh hưởng sâu xa trên thân thế và tác phẩm Kiều của Nguyễn Du. Ông làm quan bất đắc dĩ dưới thời Gia long, luôn có thái độ thụ động và miễn cưỡng. Tuy giữ nhiều chức vụ cao, nhưng ông không có quyền hành chẳng qua là do chính sách chiêu dụ của triều đại mới Gia Long. Trong 18 năm sĩ hoạn mà ba lần ông xin từ chức, thích sống ẩn dật.
Truyện Faust được sáng tác trong giai đoạn văn học Bão Táp và Xung Kích (1770 – 1780) của nước Đức, lên án chế độ phong kiến quý tộc tàn bạo vua chúa và quý tộc địa chủ trụy lạc. Phong trào văn học này bênh vực đẳng cấp thứ ba trong xã hội: gia sư, nhà văn nghèo, lao động bình thường và dân cùng khổ. Họ phơi bày ra ánh sáng những mâu thuẫn giữa hai giai cấp phong kiến quý tộc và giai cấp thứ ba: Sự ràng buộc khắt khe của trật tự và đạo lý phong kiến khiến cho cuộc sống ngột ngạt và thiếu tự do cá nhân.
Bản thân Goethe, tuy giữ nhiều chức vụ quan trọng giữa triều đình quận chúa, nhưng hoạt động của ông không đem lại một lý tưởng mà ông mong đợi: đòi lại quyền sống, ấm no, và sự tự do cho dân nghèo, tức là đi ngược lại quyền lợi và thế lực của vua chúa quý tộc và đại địa chủ. Họ luôn gây cản trở cho hoạt động của ông. Ông chán nản đời sống quan chức, bỏ triều đình đi du khảo nhiều năm tại nhiều nước châu Âu trong nhiều năm tháng và chuyên tâm học tập nghiên cứu thêm các ngành khoa học nhân văn và khóa học tự nhiên khác.

3/ Nội dung Kiều và Faust
Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều dựa theo cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của nhà văn Trung Quốc là Thanh Tâm tài nhân. Nhân vật Kiều là một kỹ nữ tài hoa có thật với cuộc đời chìm nổi gian truân đã trở thành một nhân vật trong truyện dân gian và trong nhiều tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc như Đới sỹ Lâm, Hoài...
Truyện Faust của Goethe cũng lấy chất liệu trong truyện “Chàng tiến sĩ Faust” trong văn học dân gian Đức. Faust là một nhân vật có thật (1480 - 1530) sống ở vùng Tây Nam nước Đức. Đó là một chàng bán thuốc rong ở các chợ bằng cách xem tướng, biểu hiện những trò quỷ thuật, biết điều khiển quỷ thần để kiếm được nhiều tiền và danh tiếng. Xã hội thời ấy xem anh ta là kẻ thân cận của quỷ thần nên vừa sợ lại vừa khâm phục. Từ đó trong dân gian lan truyền các chuyện huyền thoại về một chàng trai dám tự ý đi theo con đường nhận thức riêng của mình nên bị nhà cầm quyền và giáo hội Thiên chúa giáo lên án và bị rơi vào tay ma quỷ và chết thảm hại. Nhà văn F.Spiess viết “Câu chuyện Tiến sĩ Faustus” đầu tiên (Xb.năm 1587) và được tái bản nhiều lần, được dịch sang tiếng Anh (1588), tiếng Pháp và tiếng Hà Lan (1592), tiếng Tiệp (1611). Một vài nhà văn Đức cũng viết truyện về Faust (Xb. các năm 1599, 1674, 1713) đề cao giáo huấn đạo Thiên chúa  và cảnh cáo lòng kiêu ngạo về sự hiểu biết và sự tự nhận thức của Faust về cá nhân mình. Tại sao? Theo nghĩa đen “Faust” là nắm tay, quả đấm, nhưng theo nghĩa bóng nó ám chỉ sự quyết tâm tiến tới, sự tự quyền tự lập và có tính cách chống đối cấp trên. Giáo hội Thiên chúa giáo thời ấy cho sự khao khát hiểu biết là lòng say mê hành động, là sự kiêu ngạo cá nhân, là kết quả của việc kết bạn với ma quỷ và xem những bộ môn khoa học tự nhiên, những kiến thức khoa học của Copernicus, Gallilei, Darwin là những tư tưởng bạo động, thoán nghịch, chống lại giáo hội và cho đó là sản phẩm của ma quỷ.
Nhân vật Faust tượng trưng cho sự đam mê nghiên cứu và sáng tạo của xã hội Đức TK.XVIII. Tôn chỉ chàng Faust của Goethe là hành động và tự do.
4/ Mục tiêu diễn đạt.
Qua nhân vật Kiều, Nguyễn Du có ý diễn đạt sự đấu tranh giữa thiện và ác, bề mặt bề trái(tính lưỡng nghi) trong nội tâm của con người Việt Nam và dừng lại ở cảnh đoàn tụ gia đình và Kiều – Kim Trọng, nghĩa là bênh vực quyền sống của phụ nữ, vốn bị chà đạp trong xã hội phong kiến Việt Nam và cũng dừng lại ở đời sống tình cảm sum họp với hạnh phúc trần gian.
Qua nhân vật Faust và quỷ Mephisto, Goethe muốn biểu đạt sự tương tác giữa ánh sáng (bản năng cao thượng, sự vươn lên, sự hướng thiện và bóng tối (bản năng thấp hèn, sự ác trong mỗi con người (tính lưỡng nghi) đồng thời diễn đạt sự tranh đấu giữa thiện và ác trong nội tâm con người. Trong Faust phần I tác giả đề cập đến tình yêu giữa Faust và nàng Gretchen; trong Faust phần II, Goethe đề cập đến lý trí: vươn lên, hành động, đi tìm ý nghĩa cuộc đời, từ các vấn đề cá nhân một người (Faust) đến vấn đề lớn của loài người, khám phá và chinh phục thiên nhiên phục vụ con người.
5/ Thời gian và không gian trong truyện Kiều  và truyện Faust.
Trong truyện Kiều, cuộc đời lận đận của Kiều chỉ 15 năm, tương đối ngắn. Không gian cũng hạn hẹp, cuộc chiến giữa thiện và ác, giới hạn giữa hai tuyến: Kiều đối chọi với các nhân vật phản diện, khép kín trong một xã hội phong kiến và thế kỷ 18.
Trong truyện Faust: tác giả đề cập tới toàn bộ lịch sử nhân loại. Thời gian kéo dài suốt lịch sử loài người. Không gian rất rộng, cả toàn xã hội Đức giai cấp tư sản đang đà phát triển, đẳng cấp thứ ba (giới trung lưu và nghèo, buôn bán nhỏ, thợ thuyền, lao động, nông dân nghèo, trí thức hạ giới làm gia sư, thông dịch, viết thuê...) đấu tranh với tầng lớp phong kiến đang tàn lụi.
6/ Thể loại truyện Kiều và Faust.
Kiều được sáng tác bằng chữ Nôm, tiếng dân tộc, bằng thể truyện thơ lục bát là một thể loại văn học rất thịnh hành tại Việt Nam ở thế kỷ XVIII. Truyện Kiều có 3.254 câu thơ. Thời gian Nguyễn Du sáng tác Kiều còn đang tranh cãi:hoặc trong lúc làm cai hạ ở Quảng Bình (1804 - 1809) hoặc được viết sau chuyến đi sứ Trung Quốc về (tháng 4.1814), nhưng trong thời gian ngắn, có truyền thuyết cho rằng chỉ trong một đêm.
Truyện Faust được viết bằng tiếng Đức là tiếng dân tộc. Faust gồm 12.111 câu xen lẫn nhiều đoạn văn xuôi mang tính kịch, là thể loại văn học đạt đỉnh cao nhất trong thời văn học Bão Táp và Xung Kích (1770 - 1785) cũng như văn học cổ điển Đức (1786 - 1832). Truyện Faust được tác giả viết suốt cả cuộc đời hoạt động của mình: thời trẻ ông viết truyện Faust I (xuất bản 1808) và Faust II được sáng tác vào tuổi 50 và kết thúc chỉ một năm trước khi mất vào tuổi 82, (năm 1831). Ông cho niêm phong lại, chỉ cho phép xuất bản (1832) sau khi ông mất. Goethe đã dành tất cả 60 năm đời mình để sáng tác truyện Faust, được xuất bản 4 lần sau khi viết xong từng phần một và lần xuất bản cuối cùng sau khi mất bao gồm 4 tập. Faust là một công trình đồ sộ của một thiên tài xuất chúng và một đại trí thức uyên bác.
7/ Cấu trúc tác phẩm
Truyện Kiều được bố trí theo đơn tuyến: gặp gỡ, ly biệt, đoàn tụ. Cuộc sống nàng Kiều được xây dựng theo thuyết “tài mệnh tương đố”.
Trái lại, truyện Faust được xây dựng theo đa tuyến như tinh thần của văn học khai sáng (1720 - 1785). Faust là chàng thanh niên năng động, không ngừng cố gắng vươn lên với lòng ham mê tìm hiểu và khám phá thiên nhiên để chinh phục nó và bắt nó phục vụ con người. Đây là một trào lưu tinh thần (triết học, văn học...) lấy lý trí làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình với tinh thần bình đẳng và có niềm tin vào sự tiến bộ, dùng lý trí để đi tìm chân lý và giải phóng tư tưởng cho mọi người.
8/  Nghệ thuật của Kiều và Faust.
a)     Nguyễn Du và Goethe xây dựng những mẫu người lý tưởng theo phương pháp sáng tác theo khuynh hướng chủ nghĩa cổ điển. Nguyễn Du dựng nên những tình huống éo le cho gia đình dẫn đến Kiều vì chữ hiếu mà chịu hy sinh tình riêng tự bán mình cứu cha để bị sa vào cuộc đời trong chốn thanh lâu ô nhục. Tác giả Faust xây dựng ra tình huống tình cờ có chủ ý: Faust và quỷ Mephisto gặp nhau và ký kết giao kèo bán linh hồn của mình để thỏa mãn lòng ham mê tìm tòi hiểu biết và những dục vọng thấp hèn tầm thường.
b)    Trong cả hai tác phẩm, tác giả đều dùng đến những yếu tố tâm linh hoang đường: bóng ma của Đạm tiên báo mộng, Kiều chết đi sống lại. Faust gặp Chúa và bán linh hồn cho quỷ Mephisto.
c)     Nhân vật nữ là Kiều và Faust là nam giới được hai tác giả chọn để diễn đạt tính cách dân tộc của mình. Kiều mang cảm tính Đông phương: nặng về tình cảm, cam phận, thụ động.
          “Đau đớn thay phận đàn bà,
          Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (câu 83-84)
Trong suốt 15 năm sống lưu lạc, tủi nhục ở chốn thanh lâu, Kiều vẫn cố bám víu vào sự sống và vẫn giữ được cái cốt cách cao thượng cho trọn chữ hiếu chữ tình. Kiều là mẫu người lý tưởng về đức hạnh và tài sắc của thời đại ấy.
Chàng trai Faust là người trí thức có học vấn cao và có bản lĩnh đàn ông. Chàng luôn “cần cù nghiên cứu và dốc công gắng sức phi thường (Tr.60). Faust có bản lĩnh ý chí cương quyết, dám tự ý riêng đi theo con đường mình ước mong để tìm tòi hiểu biết không ngừng về “những năng lực huyền bí, những mầm sinh vạn thuở” (Tr.61)
Trong buổi giao thời phong kiến - tư sản của xã hội Đức thì Faust là một mẫu người lý tưởng. Faust không sống thụ động mà luôn sống chủ động: “khởi thủy là hành động (câu 7a). Kiều luôn bị động trong mọi tình huống éo le trắc trở, tuy chịu cam phận, nhưng vẫn giữ được bản tính cao đẹp vốn có của tâm hồn mình. (Không trả thù độc ác hay giết Hoạn thư là người đã cư xử rất tàn ác với mình, thương cảm Đạm tiên là người tài ba mà chết yểu...)
Faust đã gieo kèo bán linh hồn cho quỷ Mephisto với mục đích thỏa mãn lòng ham muốn tìm tòi nghiên cứu, nhưng vẫn giữ được tâm hồn thanh tao không bị sa lầy nơi dục vọng thấp hèn mà vươn lên được tới mục đích của đời mình (khai khẩn đất hoang, mở thêm bờ cõi cho đất nước...). Faust đã hoạt động và nổ lực không ngừng, đã dùng lý trí hướng dẫn đường đời của mình không để tình cảm lấn át hoạt động mình.Kiều đại diện cá tính con người Đông phương: sống thụ động, nặng về tình cảm và có ý thức cộng đồng. Faust đại diện nhân cách Tây phương: sống nặng về lý, duy ý chí, cá nhân chủ nghĩa, lấy hành động làm phương châm cuộc đời.
9/ Triết lý của Kiều và Faust
Kiều đại diện triết lý Đông phương: tài mệnh tương đố được lý giải thông qua cái nghiệp theo luật nhân quả của Phật giáo, có khuynh hướng nhất nguyên luận (Monism) của Đông phương, đặc biệt ở Đạo học.
Faust đại diện triết lý Tây phương: duy lý, triết lý về lẽ sống và sự nghiệp con người thông qua hành động và nỗ lực tìm tòi hiểu biết, tìm ra con đường chân lý. Faust hướng về thuyết nhị nguyên luận (Dualism)
10/ Tư tưởng tôn giáo:
Kiều chịu ảnh hưởng Phật, Nho, Lão, đang khi Faust chịu ảnh hưởng Thiên chúa giáo. Cả hai đều là những tín ngưỡng của dân tộc mình.
III. Hai thiên tài dân tộc
          Nguyễn Du và Goethe là hai thiên tài dân tộc mình. Kiều và Faust là đỉnh cao của văn học hai nước. Triết gia Đức F.Nietzsche đã ca tụng Goethe như sau: “Goethe không chỉ là một người tốt, một đại tài mà là cả một văn hóa. Trong lịch sử dân tộc Đức, Goethe là một sự tình cờ không có đoạn kết(5). Cả hai đều biết tận dụng ngôn ngữ dân tộc, khai thác một cách sáng tạo ca dao, tục ngữ và diễn đạt hợp tâm lý đại chúng. Nguyễn Du đề cập đến những vấn đề cốt yếu trong xã hội con người Việt Nam: thiện - ác, ghen tuông, tính tương phản (hai mặt phải trái...), số phận và nêu bật tính cách Đông phương thiên về tình cảm. Goethe nêu lên vấn đề cốt lõi con người: đi tìm cái lẽ sống đích thực và làm nổi bật tính cách Tây phương thiên về lý trí và cá nhân chủ nghĩa. Tình yêu giữa Kiều và Kim Trọng, giữa nàng Gretchen và chàng Faust đều chân thật trong sáng. Khác nhau ở chỗ Kim Trọng chấp nhận hoàn cảnh, lấy giải pháp dung hòa là cưới Thúy Vân em Thúy Kiều. Đang khi nàng Gretchen chết oan ức rất trẻ, bị tử hình vì tội giết con mình (do quỷ Saphisto dụ dỗ). Thì Faust vươn lên phấn đấu nổ lực vượt qua đau buồn, sống tiếp cuộc đời hành động làm cho cuộc đời mình mang lợi hữu ích cho dân tộc và nhân loại.
Truyện Kiều gói ghém tâm sự tác giả: một bầy tôi trung của nhà Lê, vì quốc biến mà không giữ được chữ trung phải phục vụ triều mới là nhà Nguyễn, như Kiều đã đính ước với Kim Trọng mà vì gia đình gặp nạn phải bán mình chuộc cha không giữ được chữ trinh với người yêu. Từ Hải là một tướng giặc chống lại triều đình được Nguyễn Du nâng lên thành “một đấng anh hùng” (6) cố ý đề cao các phong trào nông dân nổi lên chống áp bức độc tài của chế độ phong kiến thời ấy.
Faust là hoài bão của Goethe với ý chí vươn lên qua hoạt động và nghiên cứu tìm tòi cũng là ý chí phấn đấu của dân tộc Đức thời tư bản chủ nghĩa đang phấn đấu vượt qua tập đoàn phong kiến đang suy tàn. Nhưng khác nhau ở chỗ Nguyễn Du chỉ là nhà thơ có tài, nhà tư tưởng thâm sâu. Còn Goethe chẳng những là một đại thi hào còn là một học giả uyên thâm, có trí tuệ cao siêu bao quát nhiều ngành khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên. Sự nghiệp văn thơ của ông nghiên cứu rất vĩ đại: dịch kinh thánh, dịch các tác phẩm văn học Pháp (Voltaire, Diderot...) biên khảo nhiều đề tài khoa học khác nhau và được phổ biến cả châu Âu thời ấy. Sự khác biệt này là do hoàn cảnh giáo dục của Nguyễn Du với lối học từchương vô bổ của Nho học và ảnh hưởng của triết lý tam giáo Nho - Phật – Lão đặc biệt Á đông: thụ động, nhẫn nhục cam phận. Đang khi đó Goethe được hưởng thụ một nền giáo dục tiến bộ, khoa học rất tích cực và đa dạng và chịu ảnh hưởng sâu đậm của Thiên chúa giáo, đầy yếu tố chủ nghĩa cá nhân và duy lý và các phong trào tiến bộ châu Âu như cách mạng Pháp (1789). Đặc biệt là Goethe suốt đời giao lưu rất rộng rãi với nhiều chính khách, học giả, văn nghệ sĩ lớn của Đức và cả châu Âu nhất là đi du khảo rất nhiều và trong thời gian dài tại các nước châu Âu với tinh thần học hỏi nghiên cứu nhiều lãnh vực, đang lúc Nguyễn Du chỉ sống gò bó trong nước, trừ ra một lần đi sứ Trung Quốc với phương tiện eo hẹp, lạc hậu thời bấy giờ.
Năm 1999  nước Đức và rất nhiều viện Goethe trên thế giới long trọng kỷ niệm 200 năm sinh của đại thi hào Goethe. Nhà xb. Hanser tại TP. Munich đã bỏ ra 14 năm trời để xuất bản toàn bộ gia tài trứ tác của Goethe gồm 32 bộ sách, giá trọn bộ là 2.700 Đức mã (khoảng 1.500 USD năm 1999). Với công sức làm việc và với số tiền rất lớn để đưa ra thị trường một bộ sách đắt như thế thì chúng ta thấy sự hâm mộ và kính trọng của dân tộc Đức đối với văn học cao độ như thê nào. Năm nay đại thi hào Nguyễn Du được dân ta tổ chức long trọng kỷ niệm 250 ngày sinh, không biết truyện Kiều và gia tài trứ tác của cụ có được cái danh dự phổ biến và đón tiếp nồng hậu của những thế hệ mai sau chúng ta ngày nay như thế nào?

NTH, Long Hải 2015

* Tiến Sĩ dân tộc học (Munich 1970)


Nguyên giáo sư các ĐH Munich và ĐH Passau (CHLB Đức)

Chú thích:
1)    Trương Minh Đức, 2005 tr.25
2)    Các bản dịch tiếng Việt của Đỗ Ngoạn (NXb Văn học 1955), Đỗ Ngoạn và Thế Lữ (NXb Văn học 1977)
3)    Tác giả W.Hoyer trong cuốn Goethe – Maximen und Reflexionen, Wiesbaden 1954. (Goethe - châm ngôn và những suy  tư) chọn lọc được 1356 câu trích từ Faust.
4)    Lương văn Hồng, 2003 Đại cương văn học Đức, Nxb văn học, tr.111
5)    Seehafer, 1999, tr.43
6)    Khi đọc truyện Kiều vua Tự Đức phê bên lề đoạn về Từ Hải “tác giả đáng tội đòn”. Nguyễn Khắc Viện, 1971 tr.198

Tài liệu tham khảo:
Baumann, B. - Oberle, B. ,1985, Deutsche Literatur in Epochen (Văn học Đức qua các thời kỳ) Nxb M.Hueber, Đức.
Đào Văn Vỹ, 1980, Nguyễn Du và thân phận con người hay Thúy Kiều và định mệnh, Văn hiến tập san (LosAngles) số 1 tr.59-79.
Goethe, J.W. ,1982, Nỗi đau của chàng Werther, Quang Chiến dịch, Nxb văn học. HN
Goethe, J.W. ,1997, Faust I und Faust II. Interpretation von R.Sudan (Truyện Faust I và Faust II, R.Sudan bình luận)
Goethe, J.W. ,1999, Thơ trữ tình, Trần Dương dịch, Nxb Văn học. HN
Nguyễn Khắc Viện, 1971, Giới thiệu truyện Kiều, Viện văn học VN, kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, Nxb. KHXH. Hanoi, tr.198
Seehafer, Klaus, 1999, J.W.von Goethe – Dichter, Naturforscher, Staatsmann (Goethe – nhà thơ, nhà nghiên cứu thiên nhiên – nhà chính khách), Nxb.Inter Nationes, Bonn, Đức
Trần Ngọc Ninh, 1972, Ý nghĩa truyện Kiều trong dân gian – cơ cấu và ý nghĩa, Bách khoa, Saigon số 381, 13-22
Trương Minh Đức, 2005, Tính lượng phân trong truyện Kiều, Nxb. Thanh niên.
Xuân Diệu, 2001, Ba thi hào dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nxb.Thanh Niên. HN




Đọc tiếp
/