Quá nửa đời phiêu dạt Tôi lại về úp mặt vào sông quê Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn... (trích Trường ca THỜI GIAN KHẮC KHOẢI - Lê Huy Mậu)

14/12/15

TIẾNG NGHỆ


( tặng Ngô Đức Hành nè)

Xa quê lâu ngày, mình không biết mình có pha giọng không, mà cái tạng mình muốn pha cũng chẳng được. Bằng giọng Nghệ, mình giao tiếp thoải mái với người Bắc, người Nam mà chẳng thấy làm sao cả. Duy cái ngôn ngữ của Nghệ  thì mình đổi, mình bỏ gần hết. Bởi vậy, bây giờ về quê, nhiều lúc mình cứ  ngớ người ra, mãi mới hiểu được. Có lần, mình ngồi uống nước chè xanh bên đường ở Đô lương, nghe bọn trẻ con đánh đáo nói chuyện với nhau, mình nghe chúng nói chuyện lạ tai như nghe người ngoại quốc nói. Ví như cái đầu gối chúng nói là cái “trôốc cúi”. “Trôốc” là đầu, nhưng “cúi” thì không phải là gối. Sao “trôốc cúi” lại thành ra đầu gối. Vợ mình “gấy Nghệ” nhưng mụ  cũng thoát li lâu rồi nên cả nhà dùng tiếng phổ thông. Bố mẹ là “Nghệ cải tiến” nên các con nó không nghe quen tiếng Nghệ. Ngày bà nội vào chơi với cháu, bố mẹ cứ phải làm phiên dịch cho bà khi bà nói chuyện với cháu.
Đã thành thói quen, nói chuyện với người quê mình vẫn quen dùng tiếng phổ thông. Ngồi nghe người quê nói tiếng quê không thấy khó chịu, ấy vậy mà, khi nghe người  Bắc hay người Nam dùng tiếng quê mình khi nói chuyện với mình cứ thấy tức anh ách. Mình nói tiếng của họ không sao, nhưng họ lại tập, lại nói với mình theo tiếng quê mình là tức, là thấy bị xúc phạm ghê gớm! Thế mới lạ!
Gần đây, vào FB, thấy mấy o Nghệ An cmt cho nhau bằng tiếng Nghệ, sao mình thấy thinh thích. Mấy o đều là người có chữ, giao tiếp bằng tiếng phổ thông rành sáu câu, nhưng nói chuyện với nhau trên mạng vẫn bằng tiếng mẹ đẻ- thứ tiếng mà, mình đã chuyển ngữ đến gần như quên, thì các o lại sử dụng rất có hiệu quả trong giao tiếp với nhau, khiến mình muốn yêu, muốn nghe quá!
Hôm ở Vinh, ngồi trong quán cà phê sân vườn Hoàng Thành (hình như thế) nghe mấy o nói tiếng Nghệ, hỏi mua, hỏi bán bằng tiếng Nghệ, mình nghe thân thương quá. Tự trong sâu thẳm lòng mình, quê kiểng, gốc gác được đánh thức. Ôi! Cũng là mình thôi, sao mình như ông khách ngay giữa quê mình thế này. Sao mình thấy lạ, thấy hay hay khi nghe người ta họp hành, giao dịch, trao đổi với nhau bằng tiếng Nghệ thế này nhỉ? Cô cháu gái xinh như mộng, sống giữa thành phố Vinh mà vẫn nói tiếng Nghệ trọ trẹ nghe dễ thương biết bao!
Ngôn ngữ là bình đẳng. Không có ngôn ngữ bậc cao, bậc thấp. Nhưng ngôn ngữ cũng phát triển cùng với văn hóa, với hội nhập. Cũng như tiếng Việt, tiếng Nghệ bắt buộc phải pha tiếng phổ thông, phải bổ sung vốn từ bằng tiếng phổ thông . Trong văn bản, trong các khế ước không ai dùng tiếng Nghệ nữa cả. Nhưng trong đời sống, trong giao tiếp thường ngày, tiếng Nghệ vẫn còn và sẽ còn dài lâu.
Tôi cảm ơn mấy o “nạ dòng” xứ Nghệ. Tôi rất thích khi nghe mấy o “mô tê răng rứa”trên mạng. “Cỏ” đồng ta vẫn tốt, tiếc rằng, “trâu ta” ăn “Cỏ” đồng người quen mồm mất rồi! “Cỏ” Nghệ ơi!
                                    21/2/2014


Bình luận bằng Blogger
Bình luận bằng Facebook

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét