Lê Huy Mậu
Như
nhiều người đã biết, khúc hát sông quê
là một chương trong trường ca thời gian
khắc khoải tôi viết vào năm 2002. Khi viết xong trường ca này, tôi cũng tâm
đắc lắm, có đưa cho một số người xem, có người bảo được, người bảo chưa được.
Xong tôi vất bản thảo vào đâu đó không đoái hoài gì đến nó nữa. Cuối tháng 8
năm 2002, nhà thơ , nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vào Vũng tàu dự trại sáng tác của
Hội âm nhạc Việt nam, tôi có gửi cho anh 5 bài thơ ( trong đó có bài khúc hát sông quê) để anh chọn in vào
báo thơ của Hội nhà văn. Bấy giờ là một buổi chiều xâm xẩm tối, tôi và anh có
đi uống rượu do một người quen cuả Nguyên Trọng Tạo mời. Anh ở phòng số 306 thì
phải.? Do anh cũng đã uống lừng xừng rồi nên tôi đặt tập bản thảo trên bàn viết
rồi về. Sáng hôm sau, vào khoảng 8 giờ, Nguyễn Trọng Tạo gọi điện hỏi tôi ăn
sáng chưa, ra đây ăn sáng. Gặp tôi, anh nói ngay, phổ được bài thơ của Mậu rồi,
để mình hát thử cho Mậu nghe nhé! Tôi thấy anh cầm một tờ giấy mới ký âm nguệch
ngoac, anh lấy giọng hai ba lần mới hát. Thú thật là, ngay câu đầu tiên của bài
hát : Quá nửa đời phiêu dạt/ con lại về
úp mặt vào sông quê đã khiến tôi thấy bồi hồi, xúc động rồi. Rồi những câu tiếp
theo, rồi cả bài hát được Nguyên Trọng Tạo hát trọn vẹn, không ngắc ngứ chỗ nào
cả. Đến điệp khúc của bài hát thì chính Nguyễn Trọng Tạo cũng đã tự nhập đồng
vào bài hát rồi. Sau này, anh bảo tôi nghe xong thì đực mặt ra, và bảo, anh làm
tôi nổi tiếng đến nơi rồi! Đó là anh nói thế, chứ thực ra, không phải chỉ có
tôi, mà Nguyễn Trọng Tạo cũng thật sự bị
lời ca, bị giai điệu của bài ca của chính mình làm cho ngây ngất trong phút
giây sau đó. Ngày ấy, tôi đang bị rối loạn tiền đình nặng, nghe xong bài hát
tôi nằm vật ra giường, không phải chỉ do xúc động về bài hát mà cả do tiền đình
chóng mặt lúc nào cũng muốn nằm. Hình như lúc ấy tôi có bình luận gì đó, nhưng có
nói câu như anh Tạo nói không thì không còn nhớ! Tôi và Nguyễn trọng Tạo có trao đổi qua về
một số tình tiết của bài hát, ví như: Nguyễn Trọng Tạo có bảo tôi, câu thơ của
Mậu là qua nửa đời phiêu dạt nhưng
vào bài hát thành ra quá nửa đời, nhưng
anh bảo, như thế có khi lại hóa hay, và anh nhắc đi nhắc lại câu mở đầu khi qua, khi quá mấy lần. Còn một câu anh bảo tiếc lắm mà không làm sao đưa vào
được, đấy là câu cá dưới sông cũng có tết
như người. Một vài chỗ nữa anh cũng cân nhắc từ ngữ rất kỹ như câu từng vị heo may trên má em hồng, câu thơ là ta
nếm vị heo may trên má em hồng, anh khen chữ nếm hay, nhưng vào bài hát phải thế thôi!
Trước khi bài hát được đài truyền hình Việt
nam tổ chức giới thiệu trong chương trình tác phẩm mới do ca sĩ Anh Thơ trình
bày, hôm bế mạc trại, ca sĩ Thanh Phong của đoàn ca múa Bà rịa- Vũng tàu cũng
đã hát bài khúc hát sông quê, và ngay
lúc đó anh và cả tôi nữa đã nhận đươc nhiều cảm tình của người nghe về bài hát
đó.
Mỗi
tác phẩm đều có đời sống riêng của nó. Sau này, khi bài hát đã dành được sự mến
mộ của những người yêu âm nhạc rồi, có nhiều bạn đọc đã tìm đọc nguyên tác bài thơ
khúc hát sông quê của tôi. Ai cũng
biết rằng, âm nhạc đã chắp cánh cho bài thơ đến được với đông đảo người xem.
Một cách công bằng, không phải khiêm tốn, khúc
hát sông quê là một tuyệt phẩm âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo, phần thơ, nhiều lắm là. bài thơ của tôi, trước hết là nó
tạo ra được một xúc động ban đầu cho Nguyễn Trọng Tạo, nhắc nhớ ( tôi nhắc lại,
nhắc nhớ chứ không phải là nhắc nhở) hồn quê trong anh, và vì vậy, bài hát mới
thực sự gây được sự cộng hưởng sâu rộng trong lòng độc giả nhiều vùng miền
trong cả nước.
Tính đến nay, bài khúc hát sông quê đã
được 13 tuổi. Cùng với ca khúc khúc hát
sông quê, bài thơ của tôi cũng được xuất bản nhiều lần, được đưa lên một số
trang web trong và ngoài nước. Nhân ngày thơ Việt nam lần thứ tám (2010), tác
giả bài thơ được hân hạnh đọc nguyên bài thơ trên diễn đàn thơ Văn miếu Quốc Tử
Giám! Tôi và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
đươc đón tiếp hết sức trọng thị tại Diễn Châu quê anh và Thanh Chương quê tôi.
Nhiều tấm lòng của bạn đọc, bạn nghe đài dành cho Nguyễn Trọng Tạo và tôi xúc
động không sao kể xiết. Bạn bè, người thân của tôi ở quê, bạn bè lính Trường Sơn
xưa, bạn bè văn nghệ, cũng đã dành cho Nguyễn Trọng Tạo và tôi sự quý mến, thân
tình hiếm có. Tuy không phải lúc nào cũng ngây ngất trong “ vinh quang” mà
nhiều khi cũng thật mệt mỏi về nó.
Những
lúc thanh vắng, trầm tĩnh nhất, tôi thường đọc lại bài thơ khúc hát sông quê của mình, không phải để tự sướng , mà để tự biết,
tự đặt câu hỏi và có cả để củng cố sự tự tin vào bài thơ của mình , nhưng, thành thật mà nói, cái mình làm được trong bài
thơ, theo tôi, là không phải mình làm thơ, mà chính là để thơ nó làm mình, nó
quy định ngôn ngữ biểu đạt, nó dẫn dắt mình theo trật tự, theo triết lý của nó.
Cảm
ơn nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã cho tôi có được vinh dự từ bài hát này!
LHM
em cứ nghĩ là bài hát Khúc Hát Sông Quê phải hơn 13 tuổi rồi. Có cảm giác nó đã gắn bó với mình từ lâu lắm
Trả lờiXóaTôi một người Thanh Chương xa quê. Mỗi lần nghe và hát lại bài hát này lại bồi hồi xúc động về những kí ức tuổi thơ ở mảnh đất quê hương nghèo khó ấy. Cảm ơn nhà thơ Lê Huy Mậu,ns Nguyễn Trọng Tạo đã nói hộ nỗi lòng của chúng tôi.
Trả lờiXóa