Cao Bá Quát |
Lê Huy Mậu
*Lẽ ra, khi viết xong cái gì đó, ta nên vứt chúng vào đâu đó, lâu thật lâu sau, đem ra đọc lại, được thì sửa chữa hoàn chỉnh, thấy không còn hứng về bài viết của mình nữa thì mạnh dạn bỏ đi. Không tiếc làm gì!
*Trước lúc ăn phải rửa tay. Trước lúc viết phải lau trí óc. Những vụn vặt đời thường phải để qua một bên. Lòng phải thật thanh thản thì trang viết mới sáng.
* Người đọc nhiều chưa chắc đã viết hay. Nhưng, người viết hay thì không thể là người ít đọc.
* Nghề nào cũng cần phải học. Từ biết nghề đến tinh thông là một con đường dài vừa học vừa hành. Nghề nào, người tinh thông nghề cũng sướng , cũng nhàn . Chỉ riêng nghề viết, hay đúng hơn là nghề lao động sáng tạo thì tinh thông nghề vẫn là chưa đủ.
* Nghệ thuật sáng tạo cũng cần kinh nghiệm, nhưng, kinh nghiệm chỉ giúp người nghệ sĩ bớt những bập bõm, bớt những thao tác thừa, còn thì, lao động sáng tạo văn học nghệ thuật là luôn đứng trước cái mới mẻ. Lần nào cũng là lần đầu tiên. Vấn đề mới, khác đã đành mà bản thân chủ thể sáng tạo cũng cần luôn luôn phải mới, khác mình. !
* Tài năng là vốn quý của người cầm bút. Tài năng là thứ trời phú. Không bao giờ là thứ có thể bình đẳng. Là thứ sẽ luôn không bình đẳng với tất cả mọi người. Người viết có thể xuất phát từ tài năng. Những tác phẩm đầu tay thường là những tác phẩm người viết dựa nhiều vào tài năng thiên bẩm. Càng về sau, thì người viết càng phải dựa chủ yếu vào lao động nghề nghiệp. Có người vào nghề viết sớm nhưng cũng sớm cạn, sớm rẽ ngang sang việc khác. Có người tác phẩm đầu tay rất nhiều hứa hẹn nhưng rồi bỗng dưng tịt không viết được cái gì nữa. Cho nên, tài năng mới chỉ là cái ban đầu, cho dù là cái quyết định nhất, nhưng, văn chương là thứ phải trả giá, là thứ phải sống thật tâm với nó, mới thành.
* Nhà văn là một danh hiệu. Nhưng người ta không thể đạt được nó bằng cách cố gắng phấn đấu vào được Hội Nhà văn, mà thành. Thiên chức nhà văn là ở lẽ sống mà nhà văn lựa chọn. Nói cụ thể hơn, là nhà văn, bằng tác phẩm của mình, thể hiện một khát vọng, một cách nhìn thực tại, một quan niệm thẩm mỹ, một lý tưởng nhân văn…và, muốn đem đến cái gì đó cho xung quanh, cho cộng đồng, cho dân tộc mình. Cho nên, nhà văn không nhìn ở danh mà nhìn ở tác phẩm của họ!
* Có thể, trong số bạn viết mà mình quan tâm, có nhiều người có tài, có giải nhưng mình nghĩ họ chưa phải là nhà văn, mà, đơn giản họ là một thợ viết, một người hành nghề viết. Mình yêu những nhà văn dấn thân, đem cái “chính tâm” của mình ra mà viết, mà “khôn dại” với đời.
*Quan niệm sáng tác- thứ mà người ta không mấy để ý, nhưng chính nó “lái” ngòi bút của người ta vào những khuynh hướng sáng tác khác nhau. Có những nhóm quan niệm sáng tác giống nhau, nhưng, không có cùng một quan niệm sáng tác chung cho mọi người. Quyền được bảo lưu cho mình một quan niệm sáng tác riêng là một quyền bất khả xâm phạm. Nhưng, tận trong sâu thẳm, mình biết có những quan niệm sáng tác sai rồi, lầm rồi. Nhưng khốn thay, họ cũng nói vậy, với quan niệm của mình
* Mình hàng ngày tiếp xúc, giao dịch, sinh hoạt với những người nhiều ít có viết văn làm thơ. Thật không sao kể, tả hết được những ngộ nhận văn chương. Biết làm sao được! “văn mình” và “vợ người” là hai món khoái khẩu xưa nay rồi. Mình nghĩ, hai món này, không nên khoái món nào cả. Khoái vợ người hay khoái văn mình đều là đại họa!
2011
L.H.M
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét