Quá nửa đời phiêu dạt Tôi lại về úp mặt vào sông quê Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn... (trích Trường ca THỜI GIAN KHẮC KHOẢI - Lê Huy Mậu)

23/8/16



CHUYỆN LÍNH, CHUYỆN ĐỜI NGUYỄN ĐÌNH THẮNG
( Đọc tập truyện “CHIẾN TRANH ĐÃ ĐI QUA” của Nguyễn Đình Thắng)
Tôi nhận được tập truyện “Chiến tranh đã đi qua” của anh Nguyễn Đình Thắng- một cán bộ đã nghỉ hưu, thường trú tại thành phố Cần Thơ với đề nghị rất chân tình: “ Bác đọc và viết giùm em vài lời giới thiệu”. Tôi nhận lời và nghĩ, cũng không cần gấp gáp lắm. Rồi công việc, họp hành, giao lưu, gặp gỡ bạn bè liên miên, chưa đọc được. Từ Cần Thơ, Nguyễn Đình Thắng gọi điện, bảo là Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân đã đồng ý và sẽ đưa vào kế hoạch xuất bản trong tháng 8 tới, bác cố gắng giúp em sơm sớm. Vậy nên, tôi dẹp mọi công việc của mình lại, đóng cửa không tiếp khách thứ bảy, chủ nhật để đọc và viết cho anh.
Thực ra, tập truyện cũng không quá dài, chỉ khoảng hai trăm trang in là cùng, đọc cũng nhanh thôi! Văn của Nguyễn Đình Thắng cũng dễ đọc. Rất ít lỗi văn phạm, và, đọc anh, tôi thật sự ngạc nhiên, anh là một kỹ sư Hóa- Thực phẩm nhưng lại tỏ ra rất chắc tay khi viết văn. Truyện của Nguyễn Đình Thắng là những câu chuyện có thật, gần như anh chỉ kể lại những câu chuyện của đời mình, của vùng quê thân thuộc của mình chứ không phải là góp nhặt nhiều câu chuyện có thật thành một “tác phẩm văn học” kiểu “ đem râu ông nọ cắm cằm bà kia” .
          Đọc truyện của Nguyễn Đình Thắng, không ít lần mắt tôi ngân ngấn nước. Nhiều chi tiết cảm động đến không cầm được nước mắt. Truyện “Hoa Hồng nở muộn”, theo tôi, là một truyện ngắn hoàn hảo. Từ lời văn, đến bố cục, tình tiết câu chuyện rất chặt chẽ và hợp lý. Một câu chuyện đầy tính nhân văn. Truyện “ Chiến tranh đã đi qua” được chọn làm tựa đề cho cả tập, là hồi ức chiến tranh, là cảm hứng chủ đạo trong tập sách này,
Hoàn cảnh trong truyện “ Chiến tranh đã đi qua” của Nguyễn Đình Thắng gợi cho tôi nhớ về một  thời lính của mình. Tôi cũng nhập ngũ từ Hà Nội. Đơn vị của tôi cũng toàn thanh niên trẻ từ các cơ quan Trung ương và sinh viên các trường đại học tại Hà Nội. Tình tiết hoàn cảnh có khác nhau, nhưng nó gần gũi với tôi tới nỗi, nhân vật của anh nghĩ gì, họ chia tay, nhung nhớ người yêu thế nào cứ y như lớp tôi thời ấy. Nguyễn Đình Thắng là người chịu khó ghi chép, quan sát, lại vốn là một học sinh giỏi văn, học chuyên văn, nhờ vậy, văn của anh sống động và chân thực đến từng chi tiết. Viết về chiến đấu, chiến tranh đã nhiều. Nguyễn Đình Thắng từ chỗ đứng, từ góc nhìn của mình đã khái quát, mô tả thật sắc nét về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.Trong sự khốc liệt của chiến tranh, hình ảnh người lính hiện lên thật bình dị nhưng cũng thật cao đẹp.Họ chiến đấu và hy sinh khi tuổi hãy còn rất trẻ. Phía sau họ là hâu phương, là hình ảnh người cha, người mẹ, người yêu với biết bao thân thương. Chiến tranh chẳng những đã chia cắt tình cảm thiêng liêng của con người, mà, quái ác hơn, nó còn cướp mất mạng sống của những người thân yêu; cướp mất  nguồn sống, nguồn hạnh phúc, nguồn hy vọng tương lai của họ . Mối tình đứt đoạn của Tân và Mai. Mối tình hạnh phúc nhưng bi thương của Cao và Trúc để lại nhiều, thật nhiều suy nghĩ cho người đọc. Sau hơn bốn mươi năm chiến tranh đã đi qua, đọc truyện của Nguyễn Đình Thắng, tôi thấy thật đau lòng trước hiện thực hôm nay. Nhiều chuyện tiêu cực mà báo chí đã nêu;  nhiều chuyện xuống cấp đạo đức, lối sống xẩy ra xung quanh mình, liên hệ với sự hy sinh cao cả của những người như Tân, như Cao, như các chiến sĩ trong những năm tháng chiến tranh đã qua thật đáng hổ thẹn.!
.         Nguyễn Đình Thắng trẻ hơn tôi sáu tuổi và nhập ngũ sau tôi vài năm. Là người Thanh Chương, nhưng mãi khi về hưu mới gặp, mới quen nhau. Người kết nối cho tôi và Nguyễn Đình Thắng gặp nhau là nhà thơ Đoàn Xuân Hòa- một bạn học bách khoa và nhập ngũ cùng ngày với Thắng. Ở tuổi tôi, cũng thật khó để kết thêm bạn mới. Do bận công việc, mấy lần Nguyễn Đình Thắng nhờ tôi đọc thơ, đọc nhật ký đời lính của anh, nhưng rồi, do bận bịu, tôi cũng chỉ đọc qua loa. Mãi tới trước khi viết bài này tôi mới đọc kỹ cuốn nhật ký chiến trường của anh và  mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Khác với nhiều người, anh không viết văn để xin vào hội này, hội khác. Anh viết văn như để trả nợ nghĩa tình đồng đội; nghĩa tình với quê hương, với người thân, với cuộc đời lính nhiều gian khổ, hy sinh của mình. Tôi cảm thấy thật áy náy, khi thời gian không có nhiều để viết kỹ hơn về anh, về tập truyện rất đáng đọc này.
Ai đó đã nói: “Văn là người”. Đọc văn hiểu người. Với Nguyễn Đình Thắng điều này đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi gặp trong văn anh những chi tiết của ký, của tự truyện. Tôi gặp trong văn anh chân dung tâm hồn trung thực của anh, và tôi tin anh đã sống, đã suy nghĩ, đã trải nghiệm đúng như những gì anh đã viết ra văn vậy. Truyện “Lỗi hẹn nơi chân trời” là câu chuyện tình có thật. Ngay cả tên nhân vật cũng là tên thật như trong nhật ký của anh. Những bài thơ tình trong truyện cũng là những bài thơ tình có thật, có địa chỉ người nhận và đã in dấu vết thời gian trong đó. Bởi bản thân mối tình nó trong trẻo, nó tự nhiên như thế, cho nên, khi kể lại, người đọc không có cảm giác tác giả “ sáng tác” thêm điều gì.  Chuyện thật, thường thì vì nó thật, cho nên, nó dễ rơi vào lối kể lể  “tự nhiên chủ nghĩa”. Nó dễ bị thừa ra những chi tiết vụn vặt. Chi tiết có thể đáng nhớ với người viết, nhưng là thừa với người đọc. Rất may, truyện của Nguyễn Đình Thắng tránh được những nhược điểm này.
Nếu có một điều gì đó cần góp ý với tác giả khi đọc xong tập truyện này, thì điều đó chính là, anh hơi bị “tham” khi nhắc tới các sự kiện, hoàn cảnh của câu chuyện, do vậy,  nên nhiều khi văn hơi bị “khô”. Giá như phần tả nhiều hơn một tý, bớt chi tiết sự kiện đi một tý, mà tăng phần xúc cảm lên thì nâng được chiều sâu tác phẩm hơn. Truyện “Huyền thoại Bàu Trênh” là một ví dụ cho nhận định đó! Tôi cho huyền thoại Bàu Trênh của Nguyễn Đình Thắng là một huyền thoại dân gian có nhiều tầng ý nghĩa nhân văn cần được khai thác. Nhiều đoạn viết hay, hấp dẫn, kỳ bí nhưng xen vào đó có những đoạn viết vội, kể lể và chưa được khai thác triệt để những tình tiết “Fulklo” của nó, nên chuyện bị lễnh loãng ra. Có chuyện không thực sự cần thiết như là chuyện ông Kết tàu viễn dương và cô vợ hờ mánh mung và bất nhẫn của ông ta, chẳng hạn. Có thể đấy là một câu chuyện nằm trong ý định kết cấu truyện của tác giả, nhưng nó bị rời ra khỏi tư tưởng nhân văn huyền thoại Bàu Trênh.
Đọc xong tập bản thảo của Nguyễn Đình Thắng, tôi đem chia sẻ cảm xúc của mình với vợ- một tác giả văn xuôi có bút danh Hội An. Tôi khen Nguyễn Đình Thắng viết văn hay. Và qua văn,  hiểu thêm được con người Nguyễn Đình Thắng, rồi than thở với vợ, rằng, nói thì dễ vậy, nhưng viết cho ra cái giới thiệu mệt lắm. Là than vậy thôi, mệt cũng phải viết, vì đọc mấy lời tự giới thiệu đầu sách “Nhật ký đời lính” của “lão này” thấy thương lắm!
Không biết có dụng ý hay vô tình, nhưng tác giả chỉ đề ngoài bìa là tập truyện mà không phải là tập truyện ngắn. Có gì khác nhau không? Tôi nghĩ là có. Chắc là tác giả cũng ngầm gửi tới người đọc một thông điệp, rằng, đây là những câu chuyện có thật, chuyện tôi, chuyện lính, chuyện đời của chính tôi. Là một người đọc, tôi hiểu điều này và rất tin vào sự chân thực của từng câu chuyện kể trong đó.
Hãy còn nhiều điều muốn chia sẻ kỹ hơn về tập truyện này;  muốn rút tỉa một vài đoạn dẫn dắt người đọc chú ý tới những tình tiết của câu chuyện,  nhưng, xin để một dịp khác, hoặc là, xin bạn đọc cảm nhận và viết tiếp những gì tôi còn để dở dang. Chúc tác giả Nguyễn Đình Thắng ngoan cường chiến thắng bệnh tật, di chứng của  chiến tranh để lại, để có đủ sức khỏe viết tiếp những câu chuyện lính, chuyện đời của mình mà tôi tin, anh còn rất nhiều những câu chuyện hấp dẫn và giàu chất nhân văn chưa viết ra!
Vũng Tàu 15/6/2016
Lê Huy Mậu





Bình luận bằng Blogger
Bình luận bằng Facebook

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét