Quá nửa đời phiêu dạt Tôi lại về úp mặt vào sông quê Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn... (trích Trường ca THỜI GIAN KHẮC KHOẢI - Lê Huy Mậu)

19/5/16

TRẦM TÍCH HOÀNG TRẦN CƯƠNG     
                 


Tôi quen Hoàng Trần Cương khá muộn. Khi Cương đã nổi đình đám với trường ca “Trầm tích” .
Tôi gặp Cương lần đầu năm 2005, dịp đại hội nhà văn. Gặp trong cuộc nhậu. Sau này thì quen, không thấy lạ nữa, chứ lúc mới đầu, hãi lắm. Cương có vẻ ngoài nhìn rất “dữ tướng”. Bộ lông mày dài một cách khác thường. Gương mặt xương xẩu, nhấp nhô như địa hình huyện Đô Lương quê Cương.
Không hiểu sao, dù Cương trông “dữ tướng”, “ăn sóng nói gió thế”, nhưng tôi lại thấy mến mộ ngay. Bấy giờ, Cương đang là Tổng Biên tập tờ Thời báo Tài chính. Tôi gặp Cương cũng do Nguyễn Trọng Tạo. Vừa có cái “ Khúc hát sông quê” dính với Nguyễn Trọng Tạo một chút, nên cũng không đến nỗi “ vô tăm tích” trước Cương. Cương bảo: Mày hay thật, tao với Nguyễn Trọng Tạo uống với nhau hết cả mấy chum rượu, mà lão có phổ thơ tao bài nào đâu. Mày gặp lão có mấy ngày mà lão lại phổ được bài sông quê hay thế!
                       Sau lần nhậu với nhau hôm đó, là quen. Chả cần biết hồ sơ lý lịch, chả cần biết quá khứ , tương lai của nhau, cứ thế là quen, và thân nhau lúc nào không biết! Thực ra, tôi đọc thơ Hoàng Trần Cương nhiều rồi. Thơ Cương có cái cồn xoáy tâm cảm.  Hắn rất biết cách diễn tả cái bên trong, cái “cồn xoáy ” nội tâm thành ngôn ngữ, hình ảnh. Tôi thuộc thơ Cương không được nhiều, nhưng, đọc Cương thì thấy, Cương không chỉ hay ở một vài câu, vài bài, mà thơ Cương nói chung thường hay. Ít hay nhiều tùy bài, nhưng hay. Có nhiều tác giả thơ, có vài câu xuất thần, hay, nhưng đọc một tập thì thấy, họ có thế thôi đó. Tôi gọi những người hay như vậy là “hay lỏi”.
Nhân đây, cũng xin thưa một chút về quan niệm thơ của tôi. Tôi nhận xét về Cương như vậy, là cũng cân nhắc, chứ không phải vì quý nhau mà khen vống lên. Trước hết, tôi quan niệm, thơ là thứ được viết ra từ nội tâm. Nội tâm phải đầy, phải tràn trước đã. Phần sau mới đến ngôn ngữ, mới đến cấu trúc, tổ chức, diễn đạt, vv… Và tôi thấy, hình như cái logic nội tại của nghệ thuật ngôn ngữ, nó được cấu trúc từ bên trong, từ trước đó, chứ không phải là tới khi nhà thơ “làm” thơ, “nghĩ” thơ mới có. Nhà thơ Tùng Bách, lúc bia rượu,  hay mỉa mai những nhà thơ “vườn” là, lại “đặt” được bài thơ mới rồi à?
Khi đọc Hoàng Trần Cương  thì thấy, Cương không “đặt” thơ, Cương chỉ “quằn quại” với chữ nghĩa, nhằm diễn tả cái “đầy”, “cái tràn”, cái “cồn xoáy tâm cảm” của mình sao cho chuẩn xác nhất mà thôi. Sau này, uống rượu với Cương nhiều lần, tôi thấy, nhận xét của mình về Cương là khá chính xác. Cương đọc thơ vất vả như đi cày. Nguyễn Trọng Tạo bảo Cương “nạt” thơ chứ không phải đọc thơ. Thường rượu vào Cương hay “nạt” thơ. Cương muốn người khác phải chăm chú nghe thơ mình. Cương sợ, những chữ, những câu mà Cương bỏ cả “tim óc, gan ruột”ra để viết, “quằn quại” lắm mới tìm được cách diễn đạt  thích hợp, ưng ý lại bị người nghe hững hờ, bỏ sót..  Lúc đọc thơ, mới thấy, với Cương, thơ không phải chỉ là thú vui, là trò chơi chữ, mà là một thứ gì đó thiêng liêng và nghiêm túc lắm!
                       Cá tính sáng tạo, nhiều khi không tương thích với cá tính trong sinh hoạt, cá tính trong đời sống. Tôi thấy, nhiều nhà văn, mà đơn cử như nhà văn quá cố Nguyễn Đức Thọ chẳng hạn. Sinh thời, tôi có nhiều dịp đi lại, chơi bời với Nguyễn Đức Thọ. Trong đời thường, Thọ có vẻ  hời hợt. Nhiểu lúc, tôi nghĩ hắn là thằng “phổi bò”. Nhưng khi đọc văn hắn thì khác hẳn. Hắn sâu sắc và là một trong những ngòi bút bình tĩnh đến từng chi tiết. Hoàng Trần Cương cũng vậy. Hoàng Trần Cương trong các cuộc nhậu là một Hoàng Trần Cương hoàn toàn khác với Hoàng Trần Cương trong thơ. Tôi đồ rằng, Cương phải tĩnh tâm lắm mới có thể tìm nhặt được trong trầm tích tháng năm quá khứ những hóa thạch quý của niềm đau, nỗi khổ làm nên mình, làm nên văn hóa của quê hương mình. Không bỏ sót, cũng không nhặt ẩu. Chỉ riêng điều ấy thôi, nếu nóng nảy, vội vàng không làm được. Còn nhớ, có lần, tôi ra họp, ngủ cùng phòng với nhà thơ Văn Công Hùng. Cương rủ đi nhậu. Tôi rủ Văn Công Hùng cùng đi, nhưng dặn : Mày nhớ nhé, Hoàng Trần Cương nói gì, mày đừng cãi. Hắn tốt lắm nhưng dễ nổi nóng. Cãi nhau nhậu mất vui. Văn Công Hùng bảo: Gớm! bác lại còn phải dặn. Em lạ gì tính bác Cương nữa!
 Cương không những chỉ nổi tiếng về thơ, mà Cương nổi tiếng cả về cái sự “khó lường” khi rượu vào. Có điều, những người quen Cương rồi thì thấy, Cương rất hiền, Cương chỉ “nóng bậy” một chút thôi, xong thôi, không để bụng giận dỗi ai bao giờ.
                        
Tôi và Cương cùng tuổi, cùng quê Nghệ an. Huyện tôi và huyện Cương ngày xưa có chung một trường cấp ba. Có chung một bệnh viện . Khoảng cách về đĩa lý chừng độ 10 ki lô mét, nhưng khoảng cách về văn hóa thì gần như bằng không. Đọc thơ Hoàng Trần Cương  thấy gần gũi, quen  thuộc như là Cương viết cho cả nỗi niềm mình.

Cái nón mê mẹ đội nửa đời người
Khi  thủng chóp mẹ đội lên vại nhút.

Nhiều lắm, những câu thơ Hoàng Trần Cương khiến tôi có cảm giác như hắn là một nhà “ Nghệ An học” bằng thơ xuất sắc nhất của Nghệ An.  Nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiểu đã kỳ công ngồi nhặt ra những câu thơ hay của Hoàng Trần Cương. Phải đến mấy chục câu đặc sắc, mà phần nhiều trong số đó là viết về quê hương Nghệ An. Tôi không tiện nhắc lại. Tôi chỉ muốn nói thềm rằng, nếu tách phần thơ viết về Nghệ An  và Miền Trung, sẽ không còn hồn cốt thơ Hoàng Trần Cương nữa.
Ám  ảnh về tuổi thơ, về quá khứ nghèo khổ, cùng với những đặc trưng văn hóa rất riêng biệt của nông thôn Xứ Nghệ  nửa sau thế kỷ hai mươi là diện mạo tinh thần chủ yếu trong phong cách thơ Hoàng Trần Cương. Khi viết những dòng này, tôi bỗng nảy ra cái ý, phải chăng, với các nhà văn, xuất thân từ những vùng quê càng khắc nghiệt về điều kiện  tự nhiên bao nhiêu , càng cằn cỗi về điều kiện thổ nhưỡng bao nhiêu thì mảnh đất dành cho sáng tác của họ lại càng màu mỡ bấy nhiêu. Nói cách khác, nơi con người phải căng ra, phải trui rèn  cả về trí lực lẫn sức lực để chống chọi với hoàn cảnh sống để tồn tại, thì chính nơi đó, văn chương được hưởng lợi từ thực tế sống để viết. Những  trải nghiệm sống đến một lúc nào đó, nó trở thành một nhu cầu viết, nhu cầu được giải tỏa, nhu cầu được chuyển tải thành những tác phẩm văn chương. Nhà thơ Hữu Thỉnh, trong một bài phát biểu, trong hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, có nhắc lại câu nói nổi tiếng của Gớt, rằng, trí tuệ phát triển trong tĩnh lặng, nhưng tính cách hình thành trong bão táp. Người Nghệ, chất Nghệ, tính cách Nghệ có lẽ cũng được hình thành trong “ bão táp” của lịch sử và của thiên nhiên khắc nghiệt này chăng? Hoàng Trần Cương đã không ít lần thành công khi chuyển tải được những trải nghiệm về cái đói, cái nghèo khổ của chính mình, của quê hương mình vào những câu thơ hay một cách nhức nhối lòng người, như:

Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo cũng mọc trắng mặt người
Miền trung mỏng mà sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành giải lụa sông Lam.

Công bằng mà nói, phần thơ viết về quê hương, về miền Trung của Cương nổi trội hơn, ám ảnh hơn, nhưng, sẽ không đầy đủ, nếu bỏ sót chất lãng mạn, trữ tình trong thơ Cương. Tôi nhớ mãi, cảm giác lần đầu khi đọc chùm thơ được giải của Hoàng Trần Cương in trên báo Văn Nghệ. Bài “ Dấu vết tháng ngày” làm tôi sững sờ, bâng khuâng, tôi thích hơn cả bài Miền Trung :

Mỗi ngày tôi để lại vài vệt nắng trong mắt người thương nhớ 
Giọt mồ hôi rơi cuối buổi chiều 
Sợi tóc bạc hai đứa nhìn tiếc nuối 
Đôi nét buồn thổi lạnh mặt người yêu 

Năm tháng tạnh dần - mưa xối nắng thiêu 
Đêm trong, ngày đục 
Thác bỗng dựng ở nơi không gấp khúc 
Bợt bạt mặt người trong cơn giông... 

Mỗi ngày tôi để lại một vạt lo âu, một miền khắc khoải 
Nơi lưỡi cày vừa mới đi qua 
Chiều đứng lặng nghe tiếng người cuối bãi 
Trăng lại treo mơ mộng trước hiên nhà...


Khám phá và sáng tạo luôn là đòi hỏi khắt khe của các tác phẩm văn học. Hiện thực được nhắc đến trong thơ cùng lúc phải thỏa mãn đòi hỏi chi tiết, nhưng là chi tiết khái quát, chi tiết bản chất. Hay nói cách khác, cái gọi là “ tài năng” của nhà thơ chính là khả năng sáng tạo sao cho  chi tiết và  khái quát thống nhất và tôn cao nhau trong một tác phẩm. Bài “ Dấu vết tháng ngày” của Hoàng Trần Cương thoạt thì không có gì xa lạ, trong hình thức, trong nội dung, nhưng đọc xong thì thấy có dư vị nhân văn thật sâu sắc.

Nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Điệp, trong tiểu luận “Hoàng Trần Cương- Trầm tích của đất”  nhận xét: Hoàng Trần Cương viết về miền Trung bằng chất giọng miền Trung, diễn tả tâm hồn Xứ Nghệ bằng  chính cái nhìn riết róng của Xứ Nghệ, đó là nét độc đáo của Hoàng Trần Cương trong quá trình tạo dựng cái nhìn nghệ thuật của riêng ông”.
Những nón mê, vại nhút, chõng tre, chảo rang, sanh đồng sứt quai, khoai xéo, ngô dặt, mo nang, nùn rơm… vào thơ Hoàng Trần Cương đã trở thành những “hóa thạch” quý hiếm. Hoàng Trần Cương không ôn nghèo kể khổ, hay ít nhất cái ý đó cũng không lộ rõ trong thơ. Cái thấm thía trong thơ Cương chính là, thông qua những chi tiết đời sống Xứ Nghệ để  “diễn tả tâm hồn Xứ Nghệ bằng  chính cái nhìn riết róng của Xứ Nghệ”như nhận xét của Nguyễn Đăng Điệp.

Bạn bè văn nghệ, tôi nghĩ, muốn chơi với nhau, là phải từ hai phía. Trước hết là quý nhau về văn thơ. Sau đó là đến với nhau bằng chính “ chất người” của nhau. Nhớ năm tôi vừa miệt mài viết xong trường ca “Thời gian khắc khoải” của mình. Đang hưng phấn thì đọc được trường ca “Trầm tích” của Hoàng Trần Cương. Tôi thấy “Trầm tích” của Cương hay quá. Nể phục hắn quá. Nhìn lại trường ca của mình, tự dưng thấy cụt hết cả hứng. Tuy hoàn cảnh sự kiện khác nhau, nhưng tôi cũng một mạch cảm hứng từ quê, từ mình, từ “thời gian khổ”chiến tranh, từ được mất thành bại kiếp nhân sinh  mà hát lên. Nhưng, “Trầm tích” có độ “cồn xoáy tâm cảm” nhiếu hơn. Ám ảnh hơn. Sau đó, tôi dẹp cái trường ca của mình vào góc tủ. Khi Nguyễn Trọng Tạo vào Vũng Tàu dự trại sáng tác âm nhạc, tôi mới rụt rè gửi Nguyễn Trọng Tạo một chương ra Hà Nội in báo. Và Nguyễn Trọng Tạo đã từ chương này, chương “Khúc hát sông quê” mà viết thành ca khúc. Chính là bài hát có trước. Sau bài hát khá lâu, báo Văn Nghệ mới in bài thơ đầy đủ. Và Hoàng Trần Cương  cũng yêu bài hát ấy trước rồi mới đọc vào nguyên tác bài thơ. Một lần, tôi đang đi bộ thể dục trên sườn núi Lớn, bỗng nhận được điện thoại của Cương : Này M, cái câu “ Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng” của mày quá hay, tao càng ngẫm càng thấy hay, lão Tạo lão tài thật, lão chỉ rút tỉa bài thơ thành mấy câu hát, thế mà làm xao xuyến hết tất cả, mày ạ!
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám, một bạn rượu khá try kỷ của Cương có bài viết trên báo Dân trí, đọc Tám, tôi mới biết, Cương là đứa con của ba dòng sông: Sông Lam, Sông Hồng và sông Cầu. Cương  sinh ra ở làng Đặng Lâm, xã Đặng Sơn, Huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An nhưng lên 7 tuổi, Cương theo bố ra Hà Nội học tiểu học. Sang cấp II, lại quay về học ở làng Đặng Sơn, và 3 năm sau đó lại  ra Quế Võ, Bắc Ninh, nơi có con sông Cầu của các làng Quan họ để học cấp III. Như vậy, tính ra, bảy tuổi cọng ba năm, Cương chỉ có tất cả là mười năm tuổi trẻ ở quê, ấy vậy mà dòng sông Lam ám vào thơ Cương thật sâu sắc. Phải chăng, vì tuổi thơ Cương có đến ba dòng sông, nên Cương mới có cái để đối sánh. Trong mối quan hệ đối sánh đó, sông Lam trở nên rõ nét hơn chăng?
Cương rủ tôi cùng về Nghệ An, thuê một chiếc đò dọc, ngao du và uống rượu trên dòng sông quê hương. Đó là một ý tưởng đẹp, rất thơ mộng, nhưng đến nay, tôi và Cương vẫn chưa thực hiện được!
Cùng uống chung một dòng nước. Cùng có một tuổi thơ gắn bó với sông Lam. Tôi và Cương, là tôi vơ vào thế, đã ẩn mình vào trong dòng sông quê, và ít nhiều, tôi và Cương đã hát lên được chút gì đó về nỗi lòng mình trước dòng sông Lam quê hương “vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng!”./.
                                                               

                                                              Vt 16/4/2015 
Bình luận bằng Blogger
Bình luận bằng Facebook

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét