Lê Huy Mậu
Đồng Nai cách Sài Gòn khoảng 30 cây số. Suốt bốn năm học Đại học, tôi chỉ đi qua mà chưa ghé lại Biên Hòa một lần nào. Khi Lê Đăng Kháng và Phạm Minh Hà về nhận công tác tại nhà xuất bản Đồng Nai, tôi đang bị “treo” quyết định phân công công tác. Lần đến Đồng Nai đầu tiên là lần tôi lên thăm Lê Đăng Kháng và Phạm Minh Hà. Ngày ấy, nhà nhà, người người đều phải làm thêm. Phạm Minh Hà và Lê Đăng Khánh làm thêm nghề phết hồ bìa lịch look. Không nhớ rõ thù lao bao nhiêu một tờ, nhưng rẻ lắm. Tôi phụ việc. Đến chiều, cơm nước xong thì Phạm Minh Hà rủ tôi đi uống cà phê có nhạc sống bên bờ Sông Phố. Trong tiếng đàn pianô bập bùng lúc chiều buông, chúng tôi ngồi nhả khói thuốc lá mịt mù. Dòng sông Phố chảy lãngđãng trong tôi từ dạo đó.
Năm 1985, tôi cùng nhà văn Nguyễn Đức Thọ, nhà thơ Vũ Xuân Hương (Đồng Nai) đi dự hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 3. Sau hội nghị, tôi ghé vào Biên Hòa gặp nhà thơ Xuân Sách, rồi lẳng lặng “rinh” nhà thơ Xuân Sách về làm Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo. Cũng từ đó, anh em, bạn bè văn nghệ Đồng Nai và Bà rịa-Vũng Tàu có mối thâm giao với nhau.
Tôi biết nhà văn Khôi Vũ đã lâu. Nhưng mãi những năm gần đây mới chơi thân với nhau.
Khôi Vũ quê cha Thái Bình, nhưng lại gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất Đồng Nai từ nhỏ.
Khôi Vũ viết truyện thiếu nhi từ hồi còn là sinh viên trường Dược Sài Gòn. Tính đến ngày Sài Gòn được giải phóng, gã đã có 8 cuốn truyện thiếu nhi được nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành với cái tên thật là Nguyễn Thái Hải.
Theo Khôi Vũ, " những năm đầu thấy tên mình trong danh sách những tác giả bị “cấm” (sau này mới biết, ai có sách in ở miền Nam trước 1975 đều bị “cấm” hết) nên mãi đến năm 1982, “không viết không chịu được” Khôi Vũ mới liều mạng viết lại và may quá, được tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh chọn in ngay truyện ngắn đầu tiên - với bút danh Khôi Vũ". Từ đó, cái tên Khôi Vũ đã khởi đầu một đoạn đường mới với Văn học. Và trên văn đàn nước nhà, cái tên Khôi Vũ nổi lên thật ấn tượng.
Cũng theo Khôi Vũ, lại sau một cú thử dự thi "vì tương lai đất nước" của nhà xuất bản Trẻ và được chấm giải khuyến khích với cuốn truyện thiếu nhi “Cha con ông mắt mèo” ký tên Nguyễn Thái Hải, thế là gã vừa là Khôi Vũ, vừa là Nguyễn Thái Hải – Hai cái tên cùng song hành với nhau trên con đường văn học rộng thênh thang.
Thật đáng nể, với bút danh Khôi Vũ - từ năm 1986 đến năm 2004, Khôi Vũ đã in được 14 tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong đó tiểu thuyết "Lời nguyền hai trăm năm" đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt nam năm 1990.
Cùng thời gian trên, về mảng sáng thiếu nhi, với bút danh Nguyễn Thái Hải Khôi Vũ đã in 16 tập. Trong đó có tập "cha con ông mắt mèo" được giải thưởng cuộc thi văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước do Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và nhà xuất bản Trẻ tổ chức.
Nếu hiểu chữ nhà theo kiểu : nhà nông là người làm nghề nông, nhà giáo là người thầy giáo… thì Khôi Vũ, là người làm nghề viết văn, là nhà văn đích thực, mà không cần đến cái danh hiệu Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Khôi Vũ viết văn dễ như nông dân đi cày, đi cấy… từ lúc hoài thai tác phẩm cho đến khi hoàn thành tác phẩm, Khôi Vũ làm theo một “kế hoạch” . Có lúc viết đoạn đầu bí, gã viết đoạn kết trước. Điều kỳ lạ là chưa bao giờ gã không hoàn thành “kế hoạch”. Nhiều người, trong đó có tôi, rất nhiều cái "định" nhưng chưa bao giờ hoàn thành. Khi cầm bút , tôi luôn cảm thấy viết được mươi trang là hết chữ trong đầu. Nghề văn, khoan hãy nói đến hay, cứ chấm hết được một tác phẩm là sướng đứt hơi, thấy nhẹ nhõm cả người. Trông Khôi Vũ làm việc, không phải riêng tôi mà nhiều nhà văn gạo cội cũng phát thèm. Có lần, sáng sớm đang ngồi uống cà phê với nhau, Khôi Vũ bỗng nói như reo: Tìm được cái đầu đề cho cuốn truyện thiếu nhi mới rồi! Tớ vừa trông thấy cái cây trứng cá gãy ngọn. Truyện của tớ cũng có cây trứng cá, tớ sẽ đặt tên truyện là "cây trứng cá gãy ngọn". Tại trại sáng tác Vũng tàu, ngày nào KV cũng thông báo với tôi về số chữ vừa viết. Cả cuốn sách sắp ra, KV cũng thông báo luôn nó sẽ có khoảng bao nhiêu chữ…
Chuyện trò với Khôi Vũ, có lan man thế nào rồi cũng về chuyện viết, chuyện văn. Có lần Khôi Vũ bảo tôi: tớ phải hoàn thành bộ truyện thiếu nhi 52 cuốn để ra mỗi tuần một cuốn, đúng 52 tuần trong một năm . Bây giờ đã có sẵn cái kho đề tài rồi. Chỉ viết nữa thôi. Người khác nói thế tôi sẽ không tin. Nhưng Khôi Vũ thì tôi tin.
Được biết, ngoài viết văn, viết báo, Khôi Vũ còn là Phó chủ tịch Hội dược sĩ Đồng Nai; Phó tổng biên tập tạp chí văn nghệ Đồng Nai; Tổng biên tập kiêm đủ thứ của tờ báo Tuổi học trò Đồng Nai. Ngoài ra gã còn tham gia giám khảo rất nhiều cuộc thi. Rồi làm makét, vi tính cho nhiều quyển sách, tờ báo khác…
Tuy nhiều việc, nhưng Khôi Vũ không tất bật, không “khó ở” như nhiều người viết khác. Hễ rảnh, gã lại gọi điện cho tôi - tuần này tớ sẽ xuống Vũng Tàu mấy ngày đấy. Chơi thôi!
Tôi đã quen với việc Khôi Vũ xuống. Cũng nhẹ nhàng, bình thường. Không phải lo lắng điều gì. Rảnh ra chơi. Bận thì cứ việc . Khôi Vũ không giận, không trách bao giờ!
Nói đến tác phẩm của Khôi Vũ là một điều khó. Bởi gã viết nhiều. Đọc không xuể. Sách in ra là gửi tặng. Nhưng Khôi Vũ chưa bao giờ đòi bạn bè phải cảm nhận. Gã ra sách đã có nơi tiêu thụ. Quý thì tặng. Còn đọc không là tuỳ. Tôi chưa nghe Khôi Vũ tiếp thị sách bao giờ. Ngoại trừ cuốn Lời nguyền hai trăm năm quá nổi tiếng, còn nhiều tác phẩm Khôi Vũ viết ra, thị trường bán rất chạy, nhưng tịnh không. Ai biết thì biết. Không biết thì thôi!
Ôi cái gã nhà văn to lớn như tên phi công Mỹ bên bờ sông Phố, không biết rồi gã còn “đẻ” thêm bao nhiêu "con sách' nữa cho đời ?
Xin có bài thơ viết tặng gã, như sau:
Hì hục
Gã đi tìm đơn nguyên những số phận người
Hì hục
Gã bới đào buông bắt
Và
Hì hục
Gã nhét thời gian vào từng con sách…
Tôi đọc gã
Chợt hình dung gã giống một con thuyền
Một con thuyền chăn sóng giữa biển khơi!
Vũng Tàu, 27-6-2007
L.H.M