Lê Huy Mậu
(trò chuyện bằng email với nhà văn Nguyễn Hiệp)
Nguyễn Hiệp thân mến!
Nguyễn Hiệp có bảo mình cho biết đôi điều về tuổi thơ. Mình thấy khó nói quá! Tuổi thơ mình chẳng có gì đặc biệt. Mình sinh ra ở quê. Lớn lên ở quê. Gốc gác nhà quê. Tuổi thơ mình lấm láp bùn đất đồng quê miền tây xứ Nghệ. Ngày xưa, là nói khi mình còn bé thơ ấy, quê mình còn thiên nhiên lắm. Đồi núi, ruộng đồng, cồn bãi còn hoang sơ, cây dại mọc um tùm khắp nơi. Chim chóc, tôm cả nhiều vô kể. Bây giờ nhớ lại, kể lại, nghe cứ như chuyện phịa. Những ban mai khi thức dậy, chim hót véo von quanh nhà. Sớm nhất là chim chích chòe. Trên những ngọn tre cao vút, chim chích chòe cất tiếng hót chào ban mai. Chích chòe hót có bài hẳn hoi. Mỗi bài hót của chim chích chòe kéo dài chừng năm bảy phút. Tiếng chích chòe hót nối theo nhau, con này ngưng đã có tiếng con khác tiếp nối. Sau đó là đến dàn hợp xướng nhiều loài chim, nghe vui tai lắm. Chim họa mi, chim vàng anh cũng hót hay, nhưng líu lo hơn cả là tiếng chim chiền chiện. Nhưng con chim chiện thừờng bay vút thẳng đứng trên đồng như để quan sát, tìm bạn. Khi ánh nắng đầu tiên trong ngày chan hòa trên mặt đất, chim chiền chiên tấu lên bài ca hân hoan của đất đồng. Mùa chim làm tổ cũng là mùa nghỉ hè. Mình thường bắt chim non về nuôi. Dễ bắt, dễ nuôi nhất là chim chào mào. Chim chào mào làm tổ ngay trong vườn nhà. Có khi chúng làm tổ trên cây cam, cây tắt cạnh cửa sổ. Mình chỉ cấn khép cửa he hé là có thể quan sát được ngay khi chúng mới tha về vài ba que rác đầu tiên. Từ lúc đó, mình đã sắp sẵn một âm mưu bắt con của chúng về nuôi. Chúng hoàn toàn không biết mình cũng đang chuốt từng nan tre cho chiếc lồng mới đợi con chúng đủ lông đủ cánh là cho vào lồng, thay chúng chăm sóc cho con chúng. Chim sáo đóng tổ trong vách núi, trên ngọn cây cao. Không phải đứa nào cũng có may mắn có chim con để nuôi. Chim cà cưỡng làm tổ trên ngọn cây gạo, xung quanh gốc đầy gai nhọn. Tổ của chúng làm rất chắc. Chỉ có cành cây gãy đổ mới mong tổ của chúng rơi. Chim tu hú thường rình lúc chim cà cưỡng sơ hở là chui vào đẻ trứng . Độc ác hơn, chúng còn đẩy hết trứng chim cà cưỡng ra, nên nhiều khi trèo lên được tổ chim cà cưỡng mà chẳng bắt được con cà cưỡng con nào. Tức điên lên được! Quê mình có giống chim chàng làng. Mình chưa thấy ở đâu có. Chim chàng làng hót được rất nhiều giọng. Chúng nhại được tất cả tiếng các loài chim khác. Thậm chí cả tiếng chó sủa, tiếng lợn kêu. Chàng làng là giống chim rất khó nuôi. Hễ bắt nhốt chúng vào lồng là chúng tự vặn cổ chết. Mình chưa thấy ai nuôi được chim chàng làng cả. Có vô vàn kỷ niệm về chim. Có kể mãi cũng không hết. Hình như, tuổi thơ mình cũng thiên nhiên như chim muông và cây cỏ. Mình chưa viết được trang văn nào về tuổi thơ thiên nhiên của mình cả. Thật phí!
Nguyễn Hiệp ạ! Quê mình nằm kẹp giữa hai con sông. Con sông Giăng là một nhánh của con sông Lam. Nhà mình chỉ cách bờ sông Lam lúc xưa là chừng một trăm mét. Bây giờ sông lở vào gần tận nhà rồi. Ngày xưa người làng mình sống nhờ cả vào sông. Nước ăn gánh từ sông về. Tắm rửa, giặt giũ đều ở bến sông. Bến sông quê nó giống như một địa điểm văn hóa của làng. Mình gắn bó với dòng sông quê từ khi còn chưa biết đi đã được cha mẹ bế ra sông tắm rồi. Con sông Lam mùa hè nước trong leo lẻo, buổi chiều lùa trâu xuống sông cho trâu đằm, còn tụi trẻ con thì bơi lội, nô đùa tới tối mịt mới về. Không hiểu sao, ngày xưa sông Lam nhiều cá đến thế. Mình tắm có khi bị nhột vì cá rỉa. Khổ nhất là mỗi khi có vết thương đâu đó trên người là bị cá rỉa cho đau điếng, chảy cả máu. Nhiều loài cá bây giờ đã tuyệt chủng đâu hết, chứ thời mình thả câu là có cá ăn. Người giỏi câu cá lớn, cá ngon. Trẻ con câu cá mương, cá ngạnh. Con sông quê cho mình thật nhiều. Mình ơn huệ sông quê nên mới viết được cái khúc hát sông quê da diết thế, Nguyễn Hiệp ạ!
Mình là đứa con thứ 8 nếu tính trong 12 lần sinh của mẹ nhưng lại là đứa con trai đầu tiên của cha mẹ. Nghe nói, trước lúc sinh ra mình, cha đã sắp cưới một bà vợ lẽ vì nghĩ mẹ không sinh được con trai nối dõi. Khi sinh được mình rồi ông mới thôi ý định cưới thêm bà nữa. Vậy nên, tuy nhà cũng nghèo nhưng mình được cưng chiều lắm. Tuy nhà quê vất vả nhưng mình gần như chẳng phải làm việc đồng áng vất vả gì!. Lớn lên tý thì đi học một buổi, đi chăn trâu một buổi. Không hiểu sao, lứa học trò nhà quê của mình hồi đó lắm đứa giỏi thế. Chúng nó lớn lên đều được vào đại học, nhiều đứa được đi du học, sướng như tiên, mình học hành bì bẹt nên đủ tuổi là đăng lính, đi một mạch cho tới ngày giải phóng, mới trở về bì bõm học lại.
Người nhà quê vốn thật thà. Lại được hưởng một thời giáo dục còn trong trẻo. Thời mà, đất nước vừa trải qua 9 năm kháng chiến gian khổ và hòa bình mới lập lại được có một nửa nước. Thời mà tất cả còn thực tâm cho một mục đích chung. Việc xóa bỏ tư hữu có thể là sai, là kìm hãm sự phát triển, nhưng mặt nào đó, nó cũng có cái tích cực, bởi, nó giúp con người thoát khỏi những dục vọng vất chất. Nó gần Phật hơn! Sau này khi cầm bút, mình thường hướng về cái miền quê nghèo khổ nhưng chất phác hồn hậu của mình. Có mà nằm mơ cũng không thề có được một miền quê đầy tiếng chim hót như xưa nữa; Có nằm mơ cũng không có một con sông quê nào mà người cùng tôm cá sống chung thân thiện như xưa nữa. Vậy thì, tuổi thơ mình cũng thơ mộng đấy chứ. Thiên nhiên- mình là thiên nhiên, mình là hòn đất thó, hòn sỏi thiên nhiên của quê kiểng đang lạc lõng giữa chốn thị thành. Chỉ có thơ mới giúp mình trở về trong trẻo thiên nhiên mà thôi!
Cám ơn đã cho mình có phút hồi tưởng sơ sài về tuổi thơ. Hẹn gặp!
L.H.M