Quá nửa đời phiêu dạt Tôi lại về úp mặt vào sông quê Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn... (trích Trường ca THỜI GIAN KHẮC KHOẢI - Lê Huy Mậu)

25/3/16

MỘT NỤ ĐÀO XUÂN CHƠM CHỚM NỞ


(Đọc thơ tứ tuyệt của Mã Anh Lâm)
 Tôi quen nhà văn, nhà báo Mã Anh Lâm trong một chuyến về Lào Cai cách đây vài năm. Anh Thảo – Chủ tịch Hội cử Mã Anh Lâm dẫn đi thăm loanh quanh thành phố biên giới này . Mã Anh Lâm  là con trai nhà thơ nổi tiếng Mã A Lềnh người dân tộc Hmông-  người mà tôi đã có dịp ngủ cùng phòng với ông trong dịp đại hội Hội nhà văn kỳ trước. Mã Anh Lâm kêu tôi bằng ông, xưng con. Rất khác với cách xưng hô của những người khác. Và tôi chấp nhận, thậm chí còn thinh thích với cách xưng hô này. Tự nhiên có một mối thân tình riêng riêng với chàng trai trẻ tài năng, đẹp giai và rất dễ mến này.
Cách nay không lâu, Mã Anh Lâm gửi qua mail cho tôi tập bản thảo 99 bài thơ tứ tuyệt để nhờ ông đọc giùm và viết cho vài lời giới thiệu .  Thơ chỉ có bốn câu một bài, và mỗi câu cũng chí có không quá 8 chữ. Đọc nhanh thôi, nhưng đọc rồi phải xâu chuỗi nó lại, phải thấm thấu nó, phải tìm ra một nét gì đó ở người thơ này khác với những người thơ khác. Mà ở đời, khi người ta đã nhờ mình là họ trông đợi ở mình nhiều lắm!. Họ tin mình lắm! Vì thế, nên tôi không viết nhanh được.
Thật ra, theo chỗ tôi hiểu, thơ tứ tuyệt thường có 2 dạng, hoặc là 4 câu 5 chữ,  hoặc  4 câu 7 chữ.  Thơ Mã Anh Lâm thường thì 4 câu, mấy chữ là  tùy “tình hình”. Có khi là 5, 6,7,8 chữ  không chừng.  Vả lại, tứ tuyệt, nó có câu tả, câu dẫn , câu kết.. và  nó lôi thôi lắm, niêm luật lắm,  nên tôi không đọc theo cách đó, tôi đọc thơ Mã Anh Lâm, thơ bốn câu Mã Anh Lâm, và không quan tâm gì đến nó có “tứ tuyệt” hay không “tứ tuyệt”.
Điều tôi dễ nhận ra ở Mã Anh Lâm khi đọc thơ anh là, khả năng quan sát và tìm ra, gọi tên, liên hệ và gán cho sự vật và hiện tượng quanh mình một ý nghĩa tồn tại nào đó. Những triết lý nho nhỏ trong mỗi bài thơ tạo nên cái ý vị của bài thơ. Có khi là một suy nghĩ, một liên tưởng ngộ nghĩnh, có khi là một triết lý nhân sinh được rút ra từ một  quan sát  nào đó. Đi suốt chiều dài của cả tập thơ, thấy Mã Anh Lâm là sự trộn lẫn giữa suy nghĩ , quan sát, nhận xét theo phong cách hiện đại của thế hệ  mình và truyền thống văn hóa riêng có của dân tộc Hmông của anh.  Có cảm giác như Mã Anh Lâm viết rất nhanh và không quá  nhiều tham vọng trong một đề tài.
Hãy nói về những bài thơ về đề tài thiên nhiên như Sa Pa, Sông Bạc, Nắng, Mây,  Cao nguyên đá, Nụ đào vv… trước. Đó là những bài thơ như nét chấm phá,như  những phác thảo trên lụa, nó là thứ “tranh lụa Nguyễn Phan Chánh”chứ không phải  “tranh Phố của Bùi Xuân Phái”:
Trời nghiêng một  khoảng làm duyên
Suối gió sông mây ảo huyền
Lãng đãng sương bay vương tóc
Vầng trán thanh cao Hoàng Liên
 ( Sa Pa)
Hoặc:
Đông rủ nhau đi trốn
Xuân phơi phới về gần
Đào khoe chơm chớm nụ
Làm bút vẽ mùa xuân
( Nụ đào)
Thoạt thì tưởng bài thơ chưa tròn, chưa viết hết ý, như bức tranh còn quá mờ nhạt , nhưng đọc đi, đọc lại, soi đi soi lại, thì thấy thế là đủ, là rõ rồi. Và nếu đọc hai bài thơ này, họa sĩ tranh thủy mặc Trương Hán Minh đã có thể phóng bút vẽ về Sa Pa và về Nụ đào xuân  không cần mẫu rồi.  Cứ vẽ đúng như bài thơ thôi là đã thấy hiện lên một Sa Pa ảo huyền thơ mộng hay một nụ đào xuân quá đẹp rồi! Tôi còn nhớ, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, có nói với tôi, khi ông đọc chùm thơ của tôi, nhân dịp Hội nhà văn Việt Nam mở  trại sáng tác tại Vũng tàu,  năm 1982,  rằng, mỗi bài thơ, nên gói nó lại trong một tứ nào đó, một tứ thôi, và cậu đã làm được việc đó! Bây giờ, tôi cũng có thể nói với Mã Anh Lâm như câu mà nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã nói với tôi, về thơ tôi năm nào!
Điều thứ hai, bạn đọc thơ Mã Anh Lâm cũng dễ dàng nhìn thấy là, những triết lý, những nỗi đời mà thơ Mã Anh Lâm muốn khơi gợi ra với người đọc tử những sự vật hiện tượng bình thường dễ gặp quanh mình. Đó là Sen xanh, Lá, Sóng, Sách, Trái đất, ,Quỳnh,vv…
Bài thơ Sen xanh là bài thơ có góc nhìn khác về sen:
Có những mùa sen chỉ lá xanh
Khiêm cung nhẫn nại dưới mây lành
Dưới mặt nước kia ngầm ấp ủ
Bao vầng hào quang sen hiến dâng
(Sen Xanh)
Bài thơ đáng khen ở cái tứ, ở cách thức “đọc” hiện thực, nhưng chưa đáng khên về thơ.
 Trong mạch cảm như vậy, thơ 4 câu là thể thơ thích hợp nhất. Mỗi sự vật quanh ta đều như đang “ nói” với ta về một điều gì đó. Nó không có ý răn đe hay dạy dỗ, mà nó chứa một ẩn chìm tâm sự nào đó. Nhà thơ là sứ giả, là cầu nối  của vạn vất với người đọc.  Có thể kể ra rất nhiều bài thơ trong tập thơ này đã làm được, làm tốt vai trò sứ giả, vai trò cầu nối giữa vạn vật với người đọc. Thơ của Mã Anh Lâm như mưa phùn mưa bụi, chứ không phải là mưa giông, mưa rào. Nhưng, mưa nhỏ thấm sâu. Mưa giông, mưa rào có khi  trôi tuột đi mất.:
Có thức đêm mới hiểu bài dế hát
Hiểu hạt cây cựa quậy bật mầm
Hiểu gió ghé tai lời tha thiết
Hiểu vì sao nhạc có nốt câm
( Nốt câm)
Tôi không nghĩ là mình đã thấm, thấu hết  những ký thác  thầm thì trong thơ Mã Anh Lâm.  Và nói chung, Mã Anh Lâm đã được bảo chứng bởi một lý lịch sáng tác khá dày dặn rồi.  Anh đã có thơ in báo nhi đồng  từ khi còn học cấp một. Anh đã đạt nhiều giải thưởng về văn thơ, về phim tư liệu….  Nghĩa là, anh có tố chất thi sĩ từ trong máu rồi, không phải bàn nữa. Điều  tôi  muốn nói là, phải chăng, nhà thơ lớn thường chọn đề tài nhỏ?  Với tập thơ này, anh đang muốn, “vi mô hóa” thơ mình chăng?, hay là tạng thơ anh vốn thế, vốn nhỏ nhẹ, thầm thĩ thế chăng? Dù gì, qua tập thơ này, bạn đọc cũng có thể hình dung ra một Mã Anh Lâm đa sự, đa cảm, chịu đi, chịu quan sát, chịu suy nghĩ…
 Xin chúc cho nhà thơ bền bỉ trong cái mạch thơ ngắn  xinh như “đào khoe chơm chớm nụ”, để vẽ nên một mùa xuân thi ca  thật rực rỡ!
VT 21/3/2016 LHM

Bình luận bằng Blogger
Bình luận bằng Facebook

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét