Quá nửa đời phiêu dạt Tôi lại về úp mặt vào sông quê Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn... (trích Trường ca THỜI GIAN KHẮC KHOẢI - Lê Huy Mậu)

25/3/16

BƯỚC TRONG ĐAU VỀ PHÍA MỘNG




(Đọc tập thơ “Miền cỏ” của  Huỳnh Ngọc Lan)

“Miền cỏ” là tập thơ thứ 2 của  Huỳnh Ngọc Lan. Từ tập thơ đầu “Chắt chiu” đến tập thơ này “Miền cỏ”, là một khoảng thời gian đủ dài cho tác giả trăn trở, lật qua lật lại từng trang bản thảo của mình. Cho dù thế, ngay khi nó đã “yên bề gia thất ” trong sự sắp xếp cho một “gia đình thơ” mới rồi, nó có tên “cúng cơm”rồi, tác giả vẫn còn hoang mang , như vẫn thiếu tự tin, bởi, vẫn còn có chỗ, có câu tác giả chưa thật bằng lòng lắm. Thú thật, đọc thơ Huỳnh Ngọc Lan, người đọc, có cảm giác trước hết, là ở chỗ, như mình được tôn trọng. Chưa bao giờ, Ngọc Lan đưa in , hoặc đưa người khác đọc một bài thơ viết còn cẩu thả, viết còn nông nổi . Sự “chăm bẵm” yêu quý đứa con tinh thần của mình như thế là cần thiết. Tuy nhiên, với thơ, sự “chăm bẵm” quá mức, đôi khi làm cho nó bị  “lốp” đi, nghĩa là nó “tươi tốt” quá mức bình thường.
 Công việc làm thơ, thực chất cũng là một thứ công việc. Nói một cách có chuyên môn hơn, thì đấy gọi là “lao động nhà văn”. Quá trình xây dựng ý tưởng, lưa chọn hình thức biểu đạt, lựa chọn ngôn ngữ biểu đạt… là quá trình lao động thực thụ. Tuy nhanh chậm khác nhau, nhưng không ai có thể bỏ qua được những “công đoạn” trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật này cả. Khi đối tượng lựa chọn lớn hơn một, và luôn luôn lớn hơn một, nhà thơ phải lựa chọn, sao cho, nó đạt tối ưu nhất thì thôi. Và đấy là sự “vật lộn” thực sự của tác giả để có tác phẩm.
 Huỳnh Ngọc Lan đến với thơ khá muộn. Là cô giáo dạy môn hóa học. Bộ môn nghệ thuật cô có năng khiếu và ham thích nhất là múa. Ngay cả khi đến với văn chương rồi, cô cũng ngập ngừng, định sẽ “chuyên tâm” cho văn xuôi, truyện ngắn hoặc truyện dài. Nhưng rồi, chính thơ mới phù hợp với “tạng tâm trạng” của cô nhất. Với lợi thế rất riêng là, tâm hồn lãng mạn, đa cảm và yêu thiên nhiên đến cuồng dại, Huỳnh Ngọc Lan sớm có được một lối viết riêng, lối biểu cảm riêng, ngay ở những bài thơ đầu  đã thấy lấp lánh  một thứ ngôn ngữ thơ khá là đặc sắc.
……. Măng chưa mầm tre nào đan lũy
Sông chưa bồi nương bãi sao xanh?
………( muộn)
Đến với thơ có nhiều ngả, nhiều hướng. Có người bẩm sinh cứ nói là thành vần. Có người thuộc như cháo chảy ca dao, tục ngữ. Hễ nói đến chuyện gì là họ vận dụng ca dao, tục ngữ được ngay. Có người coi thơ như là phương tiện để giáo dục đạo đức, lối sống cho con cái. Và họ làm thơ như là thầy giáo dạy môn “giáo dục công dân”. Có người, mỗi khi “vần hóa” được một ý văn xuôi nào đó là đã coi như một “thành tựu thơ” của mình rồi. Thế là, dù ai nói đông nói tây, “chân lý thơ” của họ không bao giờ thay đổi nữa … Thực ra, để có một ý thức đầy đủ về thơ là điều không hề dễ. “Câu chữ”, có thể nói rằng, thơ bắt đầu bằng câu chữ và cũng kết thúc bằng câu chữ. Nhưng thơ không phải là sự tổng hơp những “lời hay, ý đẹp”. Thơ là thứ tư duy hình tượng. Nó là khả năng liên tưởng và tưởng tượng, là hình ảnh, là chi tiết bản chất nhất của đời sống và tình cảm, là sự tương tác giữã tâm trạng với ngoại cảnh vv…
Tập thơ đầu “Chắt chiu” của Huỳnh Ngọc Lan  khá mỏng, nhưng, ngay sau khi trình làng, tập thơ đã tìm được tiếng nói đồng cảm, đồng tình, đồng lòng của nhiều bạn đọc, trong đó có những bạn đọc khó tính và khắt khe trong việc ban phát lời khen. Là một người thường được tác giả nhờ xem , tôi rất hiểu sự “chắt chiu” ngôn ngữ và cảm xúc trong thơ Huỳnh Ngọc Lan:
….
Bước trong đau về phía mộng
Vội vã quay lưng
Gió bụi phía bão người!
( Dạ khúc)
Lần này cũng vậy, tôi nghe nói cô có tập bản thảo thơ mới cũng khá lâu rồi, nhưng đang thời kỳ bí mật, thời kỳ “vấp trắng đêm nhích từng chữ một”. Thế rồi, cuối cùng nó cũng có trên bàn biên tập của tôi, với lời đề nghị rất thẳng thắn, là nhờ có ý kiến nhận xét và viết giới thiệu cho nó. Tôi nghĩ, viết gì thì cũng khó cả, nhưng khó nhất là viết có ra gì không. Viết ẩu cũng là viết. Không phải muốn viết cho hay, cho sâu sắc là viết được. Và rồi, may thay, “cửa ải” mà tôi cần vượt qua  nó lại chứa nhiều “hoa thơm, cỏ lạ” trong đó. Dọc hành trình đọc và chiêm nghiệm nó, tôi cũng thấy vui vui. Không ít lần tôi phải dừng lại “giương mắt, vểnh tai” lắng nghe những ánh ỏi vọng ra từ trong “cánh rừng chữ nghĩa” đó. Khi là sự ánh ỏi từ một vùng dĩ vãng tràn thơ về một miền cỏ dại hoang liêu thời thơ ấu; Khi là “khúc xuân ca” “sóng bủa xô muôn phía giấc mơ mình”. Huỳnh Ngọc Lan thường viết hay, viết đắm  về thiên nhiên, hoa cỏ. Có gì đó tương đồng giữa tác giả với hoang liêu hoa dại. Trước bạt ngàn mùa hoa Dã quỳ nở trên đất bazan nơi cao nguyên Trung phần mà cô có dịp ghé qua, cô đã thảng thốt gọi nó là “hoa báo nắng”, là “hồn đại ngàn”…Trong tập thơ hơn bốn chục bài của cô thì có tới mười sáu bài dành cho đề tài thiên nhiên, hoa cỏ rồi.  Tôi thật sự bị chinh phục bởi một lối viết “không thường” về thiên nhiên thẳm sâu và hoang dại :
Nâng chiều một tiếng chim trời

                             Trở  trăn  lá  thức  bời  bời  lòng  đêm .
                                            ( lặng)

  
Không dưới một lần, khi đọc và có ý kiến với một tác giả trẻ, tôi có viết: “Mỗi sự vật quanh ta đều như đang “ nói” với ta về một điều gì đó. Nó không có ý răn đe hay dạy dỗ, mà nó chứa một ẩn chìm tâm sự nào đó. Nhà thơ là sứ giả, là cầu nối  của vạn vật với người đọc” .
Trong thơ Huỳnh Ngọc Lan, thiên nhiên như có sự đồng điệu với nội tâm tác giả. Cảnh sắc trước mặt và diễn biến tâm trạng ở trong lòng quyện vào nhau mà vang ngân thành lời.:
                                                                Dã quỳ nở  bập bùng  muôn vì sao rụng .
                                                   Bát ngát cung đường tình nhân .
                                                   Rời rợi thanh cao ánh nắng tẩy trần .
                                                   Hồn nguyên sơ trước triền hoa hoang dại
                                                   …..
                                                  Ta phải lòng mùa hương hoa tinh khiết
                                                  Những cung đường lũng vắng khói sương .
                                                  Sừng sững dáng cây thăm thẳm hồn rừng
                                                  Chiều thời gian sẫm hình hài soi rọi .
                                                  Nhịp tim mình run rẩy trước bao la .
                                                                                            ( Quà tặng ban mai)
Hãy thử điểm một số tên bài trong chùm thơ này để thấy điều đó:               “Dấu biếc”, “Khúc xuân ca”, “Hoa báo nắng”, “Miền cỏ”, “Phút giây Thường xuân”, “Quà tặng ban mai”, “Sương khói lưu li”,… Mỗi bài là một hoàn cảnh, một sự liên tưởng khác nhau. Đấy không chỉ là một bức tranh đẹp về thiên nhiên. Đấy còn là “hương lòng” của tác giả nữa!.
Điều ít ai biết, nếu chỉ gặp Huỳnh Ngọc Lan trong một cuộc hội ngộ văn chương hay trong một buổi tiếp xúc xã giao nào đó, người ta dễ thấy một Huỳnh Ngọc Lan hồn nhiên, có phần vui nhộn và sống rất vô tư. Thực tế thì cô có “muôn nỗi đời”, “muôn nỗi tình” khiến cho những người thân, người quen của cô không ít ngạc nhiên, rằng, “hoàn cảnh” như cô mà sống bình thường đã khó, huống nữa còn cười được, còn hồn nhiên vô tư được ! Huỳnh Ngọc Lan không những biết “dẹp” những nỗi riêng của mình sang một bên, để yêu đời và vui sống, mà trong thơ cô, khi viết về tình, về gia đình, về những người thân yêu, thơ cũng không quá bi lụy, não nề:
                                Trời đất thuận có âm dương
                                 Lòng người thẳm sâu đen trắng .

                                 Học im lặng của than hồng .
                                Vượt qua vực sâu dốc đứng .
                                                                (tự ru)                                      

Bài thơ lục bát “Cõi tình” của Huỳnh Ngọc Lan , theo tôi là một bài thơ lục bát hay, và nó “rất Huỳnh Ngọc Lan”:
Mịt mùng câu hẹn kiếp sau .
Chi  bằng hãy trọn bên nhau kiếp này .

Thiên đường mây vẫn trắng bay .
Cõi nhân gian nặng trả vay đáp đền .

Tuổi sương muối ngỡ buông rèm .
Chợt  ban  mai  nắng  rắc  bên  hiên  nhà.

Thế là trước ngõ trổ hoa .
Con  tim cuống quýt mù lòa  lại  rung .

Thế là khát muốn tận cùng .
Thương quay quắt  nhớ nát lòng vì nhau .

Đá mòn câm lặng mà đau ….
(Cõi tình)

                                      Thơ tình có nhiều dạng. Có thơ tình của những người đang yêu. Có thơ tình “một bờ”. Có thơ tình của sự đổ vỡ, tiếc nuối, hoài niệm. Có thơ tình của nỗi buồn, nỗi đau.  Thơ tình của Huỳnh Ngọc Lan là thứ thơ tình của những khoảng khắc “  Tình muộn chín trong yêu, vẫn là mùa đương gặt” . Thật thì mỗi người một quan niệm. Có người thích thơ tình phải đẩy tới chỗ tận cùng của yêu. Có người thích thơ tình phải nhuốm màu của bản năng, của sex… Tôi nghĩ, dầu gì, thì thơ trước hết phải phải cất lên tiếng nói chân thật của con tim mình đã. Thơ hay chính là sự tương thích giữa “nội dung tâm trạng” đa chiều và phức tạp với “hình thức biểu đạt” tinh tế và sát thực nhất với tâm trạng đó:
 
                         Đêm hoài nghi gió rền rĩ quay về .
                         Sóng chở trăng
                         Gập lòng sóng gãy .
                          ….

                         Thấm đẫm cô đơn .
                          Rời rũ tiễn người sang bờ kí ức .
                          Nghe thâm trầm hồn đất
                          Bao dung .
                          ….
                          Sự vẹn tròn rập rình vực bờ dễ đổ .
                          Mây trời  lúc tụ,  lúc tan…
                                                   ( Chỉ tại con tim)
Từ thơ tình Huỳnh Ngọc Lan, soi rọi vào trong đời, vào xung quanh mình, thì thấy, phụ nữ, nhất là phụ nữ trong thời hội nhập, đổi mới. Có, nhưng ít, những cặp uyên ương mà ở đấy, họ tìm thấy sự hòa hợp, đồng điệu cả về tâm hồn và thể xác. Trong giới ít nhiều có liên quan đến văn hóa, nghệ thuật thì lại càng ít. Điều dễ hiểu, những cá thể tâm hồn tự do luôn khao khát một điều gì đó, có chút mơ mộng và hão huyền. Đấy cũng chính là những “động lực”trong sáng tạo . Không hẳn là những hình bóng trong thơ đã có thực trong đời. Và vì vậy, thơ tình, mình viết, mà lại viết như là cho một ai, viết về một ai đó:
                                        Bước ngập ngừng vào quá khứ đời anh
                                        Em sợ chạm vết dằm, xước lòng đêm bạc trắng.
                                        Đi tới ngày mai, vẫn ám ảnh ngày đã qua,
                                        Lần ngoái lại, gió đông về hú lạnh.
                                                 … ( Ngày anh đến)
                            Em từng ước một lần thôi! Giống cỏ
                            Dẫu thế nào cũng chẳng quên xanh
                                                        ( Tự khúc)
Trong tập thơ này, Huỳnh Ngọc Lan có chùm thơ bảy bài về  cha mẹ, các em và con. Là người biết khá rõ về hoàn cảnh gia đình của tác giả, tôi thực sự xúc động khi đọc những bài này. Huỳnh Ngọc Lan có hoàn cảnh khá éo le.  Bố là một thương binh, người Huế. Mẹ là một cán bộ phụ nữ người Thanh Chương cùng quê với tôi. Trong một trận pháo kích từ hạm đội của Mỹ vào thành phố Vinh, mẹ củng ba đứa em cô hy sinh. Sự kiện đau lòng đó ám ảnh suốt dọc đời người, đời văn của cô:

     Thời chống Pháp
                                          Ba góp tuổi xuân
                                          Và một cánh tay dập nát ở chiến trường.

                                          Năm cải cách
                                          Ba gặp tai ương
                                          Họa đấu tố .          
                                          Đến phút cuối mới thoát án tử hình, nhờ lệnh sửa sai.

                                          Mĩ bắn phá miền Bắc, năm 1972
                                          Mẹ và ba đứa em con bị chôn vùi trong hố bom
                                          Ba như thân cây bị đốn ngang
                                          Trái tim bầm nát .
                                          Oằn lưng cõng con và đứa em trai sống sót
                                          Ngoan cường đi qua chiến tranh.
                                          ….

                                              Con chẳng may chơi vơi giữa tâm bão trần gian.
                                          Ba gồng sức vực lên, đưa  tay cho con nắm.
                                          Lời lay thức của ba tiếp thêm lửa cho con :
                                        “ Hãy gắng chiến đấu sống thay cho cả phần mẹ và các em…”
                                                                                                ( Vọng cha)

 Bài thơ Viếng mẹ giản dị mà xúc động :
   
                                 Một miền thăm thẳm yêu thương .
                                Bước  chân  nhớ  mẹ   lần  đường  về  quê .

Vẫn thèm bóng mẹ chở che.
Gập   ghềnh qua khúc nhiêu khê phận người .
Thuở chưa khôn , vấp đầu đời
Mẹ  bao  dung  ấm  áp  lời  thương  con.
Tuổi con nay nhuốm hoàng hôn
 Nợ   ân  tình , đáp  chưa  tròn  mẹ  ơi .

Con  quỳ  lạy  mẹ  bên  đồi .
Cửa  thiên thu  trắng một trời mộ bia .
                                             ( Viếng Mẹ)
Với người cha vô vàn kính của mình, với em trai, em gái, với các con, Huỳnh Ngọc Lan  không chỉ là làm thơ, mà cô “dốc lòng” muốn nói ra điều thiêng liêng sâu thẳm nhất của tình yêu thương:
      Ba đã khuất…xa hai mùa Vu Lan
                                          Con chưa viết được bài thơ nào dâng lên thờ cha mẹ.
                                          Con hèn nhát vì thực lòng con sợ
                                          Như chính tay mình cứa vào huyệt đạo đớn đau.
                                                                                          ( Vọng cha)
Với người em trai cô có bài “Nợ em”. Thơ như trở nên quá chật chội trước vô vàn kỷ niệm khi cô nhớ tới đứa em trai có dáng thư sinh có lòng trắc ẩn, vị tha, biết thương yêu chở che gánh vác việc nặng nhọc gian khổ thay cho người khác, mà chiếc tranh ác nghiệt đã cướp mất em trai của cô:
                                     Em lén mẹ cha xin đi chiến đấu
                                     Muốn gánh gian nan thay phần chị và các em.
                                     Ước nguyện chưa thành,
                                     Tuổi xuân em sớm bị chôn vùi trong hố bom.
                         Bởi vậy,  mà  cô thấy ăn năn, thấy mình còn  mắc nợ em:
                                     Đời mình có lúc hao tâm chuyện vu vơ nhọc lòng.
                                     Có gương mặt tẻ nhạt theo vào giấc mơ để ám.
                                     Có nước mắt khóc khan cuộc tình phù phiếm
                                     Và…cũng có lỗi lầm kịp thức tỉnh ăn năn.

                                      Nhưng suốt đời tôi dằn vặt nỗi nợ em!
                                                                                               ( Nợ em)
Là một người mẹ nặng lòng thương yêu con, thương yêu vô điều kiện:
                                Con rời tổ bay ra chân trời mới.
                                          Mẹ dõi theo mong ngóng đêm ngày
                                          …..
                               Trong mắt mẹ lưu dấu yêu thời con thơ bé .
                                Nên vòng tay không nới lỏng âu lo .
                                                                               ( Nói với con)
Cũng như nhiều người làm thơ khác, Thơ Huỳnh Ngọc Lan cũng có phần “tự sự”.  Nỗi mình, nỗi người, nỗi đời ai cũng có. “Tự ngẫm”; “Tự ru”; “Tự khúc”… và xen lẫn trong rất nhiều bài thơ khác , là thái độ sống, nhân sinh quan, thế giới quan của cô được bộc lộ. Cô không có những triết lý lớn lao, sâu xa. Bù lại, sự chân thành và tấm lòng ghét hay yêu đều trong trẻo, mang đến cho dòng thơ “tự sự” của cô một nét đáng yêu riêng. Đau thương là thế, mất mát là thế, oan khổ là thế nhưng, tuyệt không thấy trong thơ cô sự cay độc, rủa nguyền.  Cô thường nép mình lại, tự tìm thấy một niềm an ủi, dù nhỏ, trong ánh mắt cảm thông, chia sẻ  của bạn bè, đồng nghiệp,trong những mối tình thoáng gặp. Và, nhiều nhất là, cô tìm thấy nó trong thơ, trong nghệ thuật, trong công việc viết lách. Tôi ngẫm thấy, qua thơ, Huỳnh Ngọc Lan là một người phụ nữ “cho nhiều hơn nhận”. Bài thơ “ Khuc` xuân ca” nghe như  là một tiếng thở dài, nhưng rất thầm thoảng:

Gió mang nỗi gì riêng
Thổi bợt nhàu hoa lá ?
Mờ sâu trong tâm tư
Có vết buồn hoang phế

Lùi xa nơi ồn ã
Mình cầm lại tay mình
Từng nốt chân khôn, dại
Hát theo  cỏ mà xanh…
                  ( Khúc xuân ca)
            Tất cả những gì tôi vừa dẫn giải trên đây đều là những đánh giá chủ quan. Cái được trong thơ Huỳnh Ngọc Lan là thế, và có thể còn nhiều hơn thế. Nhưng, khi đi vào cụ thể từng bài, thơ Huỳnh Ngọc Lan vẫn còn có chỗ khập khiễng. Cảm giác như ở công đoạn  “tìm , nhặt” cô làm rất tốt, những đến khi “sàng sảy” để lựa chọn, loại bỏ bớt,  thì, thấy tác giả thường  “nhát tay” . Hay nói cách khác, tác giả còn “hơi tham”.  “Thái quá cũng như bất cập”. Thiếu không tốt, nhưng thừa cũng không phải là tốt. Không phải chỉ với thơ Ngọc Lan, tôi thường gặp điều này khá phổ biến. Thú thật, nếu phải lựa chọn, tôi chọn bài thơ còn thiêu thiếu cái gì đó hơn là, bài thơ bị dư ra, thừa ra cái gì đó. Chính trong cái sự “khuyết thiếu” nó dành chỗ cho sự tưởng tượng, cho sự “sáng tạo” của người đọc.  Một điều nữa, không nhiều, nhưng có, trong thơ Huỳnh Ngọc Lan, đôi chỗ là sự, tự làm khó cho mình và cho độc giả. Khi bản thân bài thơ đã sáng rõ về ý tưởng , thì chính sự dùng từ giản dị và trong sáng “đắt”hơn là đi tìm những từ ngữ “phức tạp”.
              Giới hạn khó vượt qua nhất là giới hạn với chính mình, do mình đặt ra. Với tập thơ này, tôi nghĩ rằng, tác giả đã vượt qua chính mình. Hay nói cách khác, với “Miền cỏ”, Huỳnh Ngọc Lan đã bước qua chính mình. Huỳnh Ngọc Lan đã hoàn thành một ước nguyện, một kỳ vọng  của chính mình.
Hy vọng, với hai tập thơ “Chắt chiu” và “Miền cỏ”  Huỳnh Ngọc Lan đã  được  “cứu rỗi” bởi đã thỏa được phần nào nỗi khát khao  sẻ chia tình đời, tình người, tình quê nặng trĩu trong mình bao lâu nay./. VT 24/3/2016/ LHM  
·        Thơ Huỳnh Ngọc Lan                                              


Bình luận bằng Blogger
Bình luận bằng Facebook

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét