Quá nửa đời phiêu dạt Tôi lại về úp mặt vào sông quê Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn... (trích Trường ca THỜI GIAN KHẮC KHOẢI - Lê Huy Mậu)

11/12/15

THƠ TÌNH TRẦN SĨ KHÁNG- THƠ TÌNH TẦNG TRÍ CẢM Lê Huy Mậu



Khi bạn đọc cầm trên tay tập thơ “Mỹ nhân và tiếng thở dài thi ca” của Hồ Đồ Thi Nhân Trần Sĩ Kháng, thì, ít ai biết, nó đã “sinh” chậm hơn ý định ban đầu của tác giả ít nhất là vài tháng, vì, một ý tưởng bột phát, rằng, mỗi bài thơ sẽ có một lời bình ngắn, và tôi, một cách cũng rất hồ đồ, tham vọng, sẽ là người thực hiện chính cho việc đó. Khi vào việc, mới thấy, “ lực bất tòng tâm”; “no bụng đói con mắt”! Và ngay cả, khi định viết một tổng quát cho tập thơ này, tôi cũng đã chầy chật mãi. Bận, nhiều khi không phải để chỉ công việc của chân tay, mà  bận còn  để chỉ công việc ở trong đầu nữa! Thật khó dành ra một khoảng trống để viết, dù chỉ là vài trang chữ!
Phải nói ngay rằng, tập thơ “Mỹ nhân và tiếng thở dài thi ca” của Trần Sĩ Kháng cũng nằm trong mạch thơ khá thống nhất của anh. Đấy là sự “mộng hoang” giữa chốn “nhân gian”. Lăng kính của “Ta”- Trần Sĩ Kháng là một thứ lăng kính “đặc chủng” riêng có của Trần Sĩ Kháng. Với tập thơ này, thiết nghĩ, ngoài “mỹ nhận” từng “bén tiếng, quen hơi” thi ca Trần Sĩ Kháng ra, thì người đọc, trong đó có tôi, phải thật nhẩn nha mới thấm hiểu được ít nhiều “ khí chất” chứa đựng trong một loại ngôn ngữ thơ Hán-  Việt khá cổ lỗ với “vũ trụ quan” và “ nhân sinh quan” của Đạo Phật.
Thông thường, người ta đi từ cái trực quan, sinh động, cụ thể, từ chi tiết tới  khái quát, trừu tượng, thì, Trần Sĩ Kháng làm ngược lại, từ khái quát, bao trùm soi chiếu cái hiện thực, cụ thể:
Rồi một mùa xuân trong hỗn mang trời đất
Ta bắt gặp bơ vơ một Bản địa Cốt hồn
Cốt hồn ấy của nàng dâng Ta không cần khế ước
Bởi nàng là hiện thân của Bản Địa Tinh Hoa
                      ( Gặp thi ca huyền nữ)
Tôi đã rất công phu để lần theo từng bài thơ, từng khái niệm được Trần Sĩ Kháng sử dụng trong tập  thơ này để “phổ thông hóa”  thơ ca Trần Sĩ Kháng, nhưng, rõ ràng việc đó là rất mất công. Đơn cử như bài thơ bốn câu này:
Mây lang thang vô định
Không Huyền Giới đi về
Em đâu thể biết được
Trái tim Người tái tê.
                              (Vào Tam Giới)
          Tạm hiểu là: Tam giới là Tam hữu, là ba cõi của Vòng sinh tử, là nơi mà loài Hữu tình tái sinh  theo hướng Lục đạo Luân hồi. Lục đạo là sáu đường. Luân hồi là xoay vần. Lục đạo luân hồi chính là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A- tu- la, người, trời. Khái niệm Tam giới này có thể hiểu là Vũ trụ quan. Tam giới bao gồm:  Dục giới, sắc giới và Vô Sắc giới….  Nếu không có câu cuối, “trái tim Người tái tê” thì ba câu trên chẳng thấy thơ gì cả! Có bốn câu mà mất hết ba câu là lý rồi, cho nên thơ Tình Trần Sĩ Kháng thường bị “khô”và khó đọc là vì vậy!
          Đọc thơ Trần Sĩ Kháng mà chỉ đọc trên văn bản chữ nghĩa thì người đọc thật dễ nản vô cùng.  Thơ của “Hồ Đồ Thi Nhân” Trần Sĩ Kháng, kể cả thơ tình,  nó khác thường, ở chỗ, nó là thứ thơ đem trộn lẫn ngôn ngữ nhà Phật với ngôn ngữ thông thường của “văn hóa bản địa”. Nó rất khó được chấp nhận trong hệ thống nhận thức thông thường bằng thứ “tâm cảm”, và nó cũng rất khó để có thể “ đại chúng hóa” được. Một “chủng” thơ không hẳn là thơ thiền, thơ thần, thơ thánh, thơ nhà Phật, mà nó là thứ thơ nhìn đời sống, hiện thực, hạ giới, chúng sinh của một thuyết pháp “bề trên”, của một người đã nắm được cái tất yếu của “văn hóa bản địa”. Một thứ thơ “ngông”, thơ “ngạo ”, chỉ có điều,  nó được kiến tạo bởi một tư duy sắc sảo, với một kiến văn về nhiều mặt của một “  người thường” “ người hạ giới” với đầy đủ các trạng thái tình cảm “hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục”nơi hạ giới!
          Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa rất đồng tình với tôi khi nhận xét về thơ Hồ Đồ Thi Nhân Trần Sĩ Kháng, rằng, thơ Trần Sĩ Kháng là sự tổng hợp từ các “chất” Văn học, Triết học, Khoa học, Phật học…  với tiết tháo kẻ sĩ Bắc Hà cọng với “chất” Nghệ Gàn  mà thành. Trong rất nhiều trường hợp, nó mới chỉ là sự kết hợp thô sơ, cơ học, nhưng, mỗi khi nó đạt được sự nhuần nhuyễn thì nó trở thành một đặc sản, một thương hiệu thi ca mang tên Trần Sĩ Kháng!
          Thơ,  bản chất nó là một hình thái ý thức đặc biệt. Có người gọi nó là một thứ “rượu” tinh thần mà loài người sáng tạo ra được từ lịch sử đời sống  hình thành và phát triển của mình. Đã có một thời người ta quan niệm sai lầm, coi văn học nói chung hay thi ca nói riêng như là một phương tiện tuyên truyền, một công cụ nằm trong tay thể chế…  Để thoát được một quan niệm sáng tác cũ sai lầm đã thành “ đường khương tuyến” trong trí não một thời ấu trĩ thật không phải dễ. Nhưng,  để tìm ra và thiết lập  một cách tiếp cận văn chương mới lại càng muôn vàn khó hơn.
Sự khác lạ và cái mới không phải là một.  Thế nhưng, mọi  cái mới phải bắt đầu từ sự khác lạ.  Đọc thơ Trần Sĩ  Kháng, cảm nhận về sự khác lạ là khá rõ. Thực mà ảo , ảo mà thực là mối quan hệ biện chứng trong thi ca. Cái thực thường là cái cụ thể, cái đơn nghĩa. Thơ muốn thành thơ thì phải trở nên huyền ảo và đa nghĩa. Trong trường hợp những bài thơ ngắn, chí ít cũng cần có cái tứ ảo, bài thơ mới có độ rung cảm thẩm mỹ. Nhiều bài thơ  trong tập “Mỹ nhân và tiếng thở dài  thi ca” của Trần Sĩ Kháng  về cú pháp thì đơn giản,  ý tứ sâu xa của nó nằm trong những khái niệm được dùng, ví như, câu: “Ta đang nhớ nồng nàn Mùi Hương Thiên Giới ấy”, chẳng hạn! Hương Thiên giới, là Hương Người, Hương Đức Hạnh. Hương không theo quy luật thông thường, nghĩa là, Hương không  bay thuận theo chiều gió. Trong kinh Pháp Cú, phẩm Hoa (Puphavagga), Đức Phật dạy : Hương các loại hoa thơm – Không ngược bay chiều gió – Nhưng Hương Người Đức Hạnh – Ngược gió khắp tung bay. “Thiên Giới Hương” vì thế mà mang một ý nghĩa thoát tục, cho nên, nhớ mùi hương nồng nàn là thực, nhưng nhớ nồng nàn “Mùi Hương Thiên Giới” là ảo, là thuộc về cõi Huyền Giới của Thi ca rồi!
Nhà thơ, xét về một ý nghĩa nào đó, cũng là một thuyết pháp, một  diễn giả. Trước cử tọa của mình, diễn giả phải biết mình đang nói với những ai đây. Bài nói hay phải là, trước hết phải là “ hợp nhĩ” với đối tượng nghe. Ở tập thơ này, tôi có cảm giác, “ đối tượng nghe” của Trần Sĩ Kháng phải là, một trang “quyền năng thâm hậu”lắm!  là Ngọc  Nữ Tây Hồ “Hương Thiên Giới”!  Trong rất nhiều trường hợp, thơ tình Trần Sĩ Kháng, đặt mỹ nhân của mình vào “ Bậc Bố Kinh”, thơ vì thế mà cũng cao sang quyền biến hơn!
Bài thơ “ EM HÃY MANG HỒN TA ĐI” của Trần Sĩ Kháng , đã được nhạc sĩ Phan Thanh Chương phổ nhạc là một bài thơ  tiêu biểu trọn vẹn trong tập thơ này:
Em đi rồi, lốp xe oằn quá tải
Chở si mê cuồng dại một linh hồn
Em đâu biết mây trời giờ đang khóc
Một thi nhân hữu xác vô hồn

Em đi đi, chở hồn Ta theo với
Đi về đâu cũng chỉ có thế thôi
Vô Sắc Giới hay Phi Phi Tưởng Xứ
Có gì hơn đâu Huyền Giới của em

Em hãy mang đi hồn Ta đang say
Hay gửi lại trái tim mình cũng được
Ôi Cõi Dục chán nhàm phồn thực
Trước hoang tàn Huyền Giới không em!
                   (EM HÃY MANG HỒN TA ĐI)
Trần Sĩ Kháng đã từng lý giải theo thuyết nhà Phật, rằng là, để hiểu và phân biệt được các “tầng thơ” phải hiểu về “Học Thuyết Tướng- Không” của Phật Gia. Rằng là, tâm cảm là cảm xúc bằng trái tim , “ trí cảm” là thơ  của người đã ngộ được “Đạo Đất trời”.  Đọc thơ ở “tầng tâm cảm” dễ hơn nhiều đọc thơ ở “tầng trí cảm”. Thơ tình Trần Sĩ Kháng là “thơ tình ở tầng trí cảm”.
Cám ơn tác giả đã tin cậy! Cám ơn Tây Hồ Ngọc Nữ đã luôn nhắc nhớ, khuyến khích và kiên nhẫn  chờ đợi ở bài viết này của tôi. Trân trọng chia sẻ cùng độc giả của tác giả Hồ Đồ Thi Nhân Trần Sĩ Kháng!
                                                                Vt 10/12/2015-  HML











Bình luận bằng Blogger
Bình luận bằng Facebook

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét