Lê Huy Mậu
Tại liên hoan thơ Châu Á- Thái Bình
Dương Hà Nội- Việt Nam tháng 3/2015, tôi vừa ra đến Hà Nội thì nhận được điện
thoại của Nguyễn Huy Hoàng... Hoàng cũng vừa chân ướt, chân ráo ở Nga về. Hoàng hỏi anh ở khách sạn nào rồi, chưa thì về nhà
khách Nguyễn Tri Phương ngủ với em!
Hoàng mượn đâu được cái xe ô tô, rước tôi
từ khách sạn Trần Quốc Toản về nhà khách Nguyễn Tri Phương. Hỏi thì mới biết chỉ có các nhà văn
từ nước ngoài về mới được nghỉ ở đây, còn các nhà văn trong nước nghỉ tại khách
sạn Trần Quốc Toản. May có cái xe chạy lui, chạy tới chứ không thì cũng mệt.
Nhà thơ- Tiến sỹ văn học Nguyễn Huy Hoàng có một hoàn cảnh riêng khiến
ai khi biết chuyện cũng rưng rưng cảm động.
Số là, vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi đang là cán bộ giảng
dạy tại đại học tổng hợp Hà Nội, hai vợ chồng Hoàng được cử sang liên bang
Nga (Liên Xô cũ) làm luận văn tiến sĩ. Họ
mang theo một đứa con gái lúc ấy mới 9 tuổi. Thế rồi “họa vô đơn chí”, hai năm
sau , cháu bị thất lạc trong một chuyến đi nghỉ mát cùng vợ chồng một người bạn
ở Sô-chi. Cú sốc này đã làm đảo lộn toàn bộ cuộc đời của Nguyễn Huy Hoàng, đưa Nguyễn Huy Hoàng
vào một hướng đời khác “bất đắc dĩ”. Từ bỏ hết mọi vinh quang đang chờ mình ở
phía trước, anh chấp nhận
ở lại nước Nga, hơn hai mươi năm vừa chật vật trong cuộc mưu sinh, vừa lặn lội
khắp nước Nga, khắp châu Âu đi tìm con.. Chuyện tìm con của vợ chồng Hoàng là một
“cuốn tiểu thuyết sống” làm lay động trái tim của không biết bao nhiêu người. Cả
Người Nga lẫn người Việt khắp nơi trên thế giới.
Số mệnh quá khắc nghiệt với Hoàng.
Tôi đã không cầm lòng được khi đọc những thông tin đăng trên trang mạng “Người
bạn đường” của Hội VH- NT Việt Nam tại Liên bang Nga. Những dòng thơ thương nhớ
con của Hoàng cứ ám ảnh tôi mãi:
Ba không tị với người
ta/ Nhà mình phúc mỏng mới ra thế này/ Ai mơ viên mãn, đủ đầy/ Ba cam phận bạc,
trông ngày gặp con/ Mẹ thì gầy guộc, héo hon/ Cầu xin, vái mỏi, vái mòn tứ
phương
Gió mây, sương nắng khôn lường/ Xót con thân gái dặm trường bơ vơ/ Vận
sao, vận đến không ngờ/ Hạn sao hạn mãi đến giờ chưa yên./ Một mình một bóng
đêm đêm/ Tay mơ tìm mái tóc mềm phương con.
Cứ tưởng “chim trời cá bể” với nhau,
ai ngờ, đầu năm 2014, tôi gặp Hoàng và nhà thơ Châu Hồng Thủy tại Vũng tàu. Nguyễn Huy Hoàng trẻ hơn cái tuổi sáu mươi của
mình. Ngoại trừ mái tóc bạc trắng như cước ra, trông anh vẫn cường tráng, nhanh
nhẹn như thanh niên. Nghe nói, từ sau khi bị thất lạc mất đứa con gái trên đất
Nga, chỉ trong một tuần đêm thức trắng
vì thương con, mái tóc anh mới trở nên bạc trắng như vậy.
Chúng tôi tổ chức một đêm giao lưu giữa
những người bạn từ Nga trở về với anh chị em Văn Nghệ Sỹ tại Vũng tàu. Trong
không khí ấm áp tình quê hương xứ sở, chúng tôi được nghe Nguyễn Huy Hoàng tâm
sự và đọc thơ. Là một cán bộ giảng dạy Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, bảo vệ luận
văn tiến sĩ về văn học Nga tại trường Đại học Lomonoxop; Là Hội viên Hội nhà
văn Việt Nam, Nguyễn Huy Hoàng đã có một
buổi nói chuyện tại nhà sáng tác Vũng Tàu rất thành công. Anh có một trí nhớ thật
tuyệt vời. Chuyện của anh cuốn hút và nhiều thông tin. Tôi nể phục Nguyễn Huy Hoàng không chỉ về kiến
thức văn học mà cả về phong cách nói chuyện, phong cách giao tiếp vừa khiêm tốn vừa lịch lãm. Hoàng hội
đủ các yếu tố để toát lên một “ cá thể văn hóa” trước cử tọa. Tôi trộm nghĩ, từ
thông minh đến văn hóa hãy còn một khoảng cách. Người thông minh khi nói chuyện
thường biết cách lồng vào câu chuyện những chi tiết dí dỏm, hài hước, cho sinh
động , cho vui. Còn một “cá thể văn hóa”
thì, khi nói về vấn
đề gì, họ cũng thể hiện một sự hiểu biết sâu rộng, nhưng trong câu chuyện của họ chứng tỏ họ“biết mười nói một”. Tôi quen Nguyễn Huy Hoàng từ hôm đó.
Nói về trí nhớ
của Nguyễn Huy Hoàng, nhà báo Lê Đình Quế- một bạn học từ thời cấp III chuyên
văn Trần Phú , Hà Tĩnh, nguyên là Tổng
Biên tập báo Bà Rịa- Vũng Tàu cho hay, Hoàng nổi tiếng có trí nhớ siêu phàm từ thời
còn học phổ thông. Hoàng đi học
không cần ghi chép, chỉ ngồi nghe và nhớ. Khả năng ghi nhớ của Hoàng cho đến
nay vẫn còn rất tuyệt diệu. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng thừa nhận: “Chưa gặp
một người có trí nhớ thứ hai như Nguyễn Huy Hoàng. Hoàng nhớ đến từng chi tiết cụ thể, cực kỳ tỷ mỉ những sự kiện,
những đoạn văn, đoạn thơ Tây, Tàu, Ta…
đã đọc được từ hồi còn học phổ thông đến giờ.
Cuộc gặp gỡ tại Vũng Tàu có cả những bạn bè của
Hoàng từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cùng đến dự. Nghe họ ngồi
nói chuyện, ôn lại kỷ niệm thời học trò áo trắng với nhau tôi như thấy mình cũng
xôn xao hết cả người. Thoắt cái, quay lại, những cô cậu học trò cấp III hồi nào
giờ đã thành những “người già”; Đã thành
ông bà nội, ông bà ngoại hết cả rồi. Một
lứa, hoặc đã, hoặc sắp hạ cánh xuống đường băng hưu trí. Họ, dù đang rất vui với
không khí gặp gỡ, nhưng, bất chợt lại gặp một thoáng bồi hồi cảm thức về tuổi
tác, về thời gian. Về hưu, ấy là lúc người
ta đã có thể ngồi tính đếm những được mất, thành bại của cuộc đời mình rồi. Hoàng
không có chức vị, hay của nà gì nhiều để gọi là thành đạt theo ý nghĩa thông
thường. Triển vọng và cơ hội có nhiều, nhưng tôi biết, anh chẳng thiết tha gì với địa vị và
danh vọng, anh chỉ muốn ở lại Nga, dành thời gian và tâm huyết để tìm con gái. Khi
xung quanh, mọi người lao vào cuộc sống thương trường, thì anh cặm cụi với văn
chương, chấp nhận cuộc sống thanh bần .Tôi
thầm nghĩ, chắc gì có địa vị, danh vọng hay
tiền bạc nhiều mà đã được bạn bè quây quần vui vẻ đầm ấm như vậy! Tôi như cũng
vui lây cái vui trong không khí gặp gỡ của họ!
Cũng
như nhiều nhà văn Việt Nam khác, nhà thơ Nguyễn Duy và tôi đã có dịp
sang Nga, được nhà thơ Châu Hồng Thủy, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng và anh chị em Văn
Nghệ Sỹ thuộc Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga tiếp đón rất
thân tình. Tôi nhớ mãi hôm đón tôi tại sân bay Moskva, cái chân Nguyễn Huy
Hoàng đang bị gout sưng vù lên. Mặc dầu đã có một tùy viên quân sự có thẻ vip
ra tận sân bay đón giúp, nhưng Hoàng không yên tâm, Hoàng cũng ra tận sân bay để
đón chúng tôi. Nhìn Hoàng thập thững cà nhắc cái chân gout tôi thấy tồi tội. Những
người chu đáo cẩn thận, đến nơi, đến chốn như thế là khổ đời lắm! Tôi thầm
nghĩ. Tuy chưa bị gout, nhưng tôi đã có thể hình dung ra gout nó đau đớn như thế
nào, khi tôi tận mắt nhìn thấy nhà thơ 70 tuổi Bằng Việt khóc, nước mắt giàn giụa
vì đau gout ngày đến Vũng Tàu công tác. Hôm sang Ấn Độ, cả Trần Quang Quý và
Nguyễn Ngọc Phú đều bị gout sưng tấy, chúng nửa khóc, nửa mếu vì cái chân “ gout-
quý hóa” của mình suốt mấy ngày liền . Lúc mấy anh em đang đứng niệm Phật dưới
gốc cây Bồ Đề nơi Đức Phật phát tích, tôi đùa, bảo Trần Quang Quý và Nguyễn Ngọc
Phú, rằng, cầu Phật ở đây thiêng lắm đấy! Tụi mày đừng xin gì nhiều, chỉ xin Đức
Phật cho khỏi gout để còn tiếp tục đi. Khi đến dưới chân ngọn núi nơi xưa Đức Phật ngồi thiền, Quý không đi được
nũa, phải thuê đám trẻ võng lên. Trông hài hước và buồn cười lắm, cơ mà thấy thương, thấy tội nghiệp hắn quá!.
Hoàng đưa chúng tôi đi thăm trường đại
học Lomonoxop, nơi xưa Hoàng làm luận văn tiến sĩ ở đây. Hoàng chỉ vào một căn
nhà trong trường, và bảo, xưa em ở một phòng trong ký túc xá này. Từ đó đến
nay, từ căn phòng này, căn phòng đầu
tiên, em đã chuyển thuê nhà hàng chục lần nữa rồi. Cực không để đâu cho hết.
Tôi biết, ở Mas Hoàng có hoàn cảnh “ đặc
biệt khó khăn”, sinh sống ở Mas nhưng anh không tham gia buôn bán gì cả, ngoài một số
việc lặt vặt, lúc có, lúc không. Hoàng sống dựa vào đồng lương dịch thuật y tế của vợ và bằng
sự đùm bọc cưu mang của cả đồng nghiệp người Nga lẫn cộng đồng người Việt. Biết
bao nhiêu cay đắng lẫn với ân tình sâu nặng của Hoàng với mảnh đất này. Ấy vậy
mà, trong câu chuyện, Hoàng thường chỉ kể về những khó khăn, những tủi hờn của
bà con ta trên con đường mưu sinh nơi “đất khách quê người”. Hoàng bỏ công sức
nhiều năm, ghi chép, lưu giữ rất cẩn thận
để hình thành cuốn sách “ Mưu sinh” viết
về những thăng trầm của chính đất nước Nga, từ chế độ Xô-Viết Xã hội Chủ nghĩa
sang nước Nga dân chủ, kéo theo đó là những thăng trầm của những nghiên cứu
sinh, lưu học sinh Việt Nam, và sau này là của cả cộng đồng người Việt trên đất nước Nga lạnh
giá và mênh mông này.
Nhà văn khác với các “nhà” khác, ở chỗ,
nhà nông thì sống bằng nghề nông; nhà giáo thì sống bằng nghề dạy học. Còn nhà
văn không mấy ai ở đất nước Việt Nam ta sống được với nghề viết văn. Họ, hoặc
là phải có một chức vị gì đó, hoặc là phải làm công việc báo chí nhiều hơn mới
có thể sống được. Hoàng là thầy giáo dạy văn, đương nhiên là giỏi văn rồi.
Nhưng thầy giáo dạy văn và nhà văn là
hai việc khác nhau. Nếu bình thường ra, tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng sẽ là một Phó
Giáo sư, hoặc là một Giáo sư ở một trường đại học nào đó. Tôi hình dung, nếu ở
cương vị này, Nguyễn Huy Hoàng cũng sẽ tạo được danh tiếng của mình trong giới
học thuật. Ở đây, sự lựa chọn để trở thành một nhà văn của Nguyễn Huy Hoàng ,
hoặc là, như tôi nói ban đầu, là một sự “bất đắc dĩ”, hoặc là, nó như một “số
trời” không cãi được. Hoàng hơn nhiều nhà văn khác, ở chỗ, sự chuẩn bị cho công
việc cầm bút của mình là hết sức căn bản. Kiến thức, theo tôi, nó là thứ vật liệu
cốt yếu để kết cấu thành các tác phẩm của nhà văn. Chất “kết dính” hay “hồ keo”
để kết nối các tri thức đó lại với nhau thành tác phẩm văn chương, tôi hình
dung, nó giống như, là “nước bọt” của loài chim Yến. Chim Yến “thổ huyết” “nước
bọt” từ trong cơ thể của mình ra mà xây tổ . Và, tương tự như thế, để tạo ra
cái chất kết dính ấy, nhà văn, cũng giống như con chim Yến, trước hết phải chứng
minh được mình là “chim Yến” đã, còn sau đó là tùy thuộc vào đôi cánh để có thể
chao liệng hàng vạn dặm giữa bầu trời mênh mông gom nhặt những con côn trùng bé
nhỏ trong không trung để lấy chất mà “thổ huyết” thành cái “tổ Yến”- “tác phẩm”
quý giá, giàu dinh dưỡng của mình.
Tôi lẩn thẩn nghĩ, có mối liên hệ nào
không giữa thân phận mười lăm năm lưu lạc, chìm nổi phong trần của nàng Kiều
trong “Đoạn trường Tân thanh” của “ Thanh Tâm Tài nhân” với cuộc đời long đong “bèo dạt mây trôi” của
Nguyễn Du- tác giả cuốn "Kim Vân Kiều Truyện" bất hủ. Và bây giờ, là với Tiến sỹ văn
học Nguyễn Huy Hoàng- người đang nhận vài trò là chủ biên việc chuyển ngữ cuốn
Truyện Kiều sang tiếng Nga. Tình cờ thôi, nhưng mọi người thử nghĩ mà xem,
không dưng lại có sự trùng hợp thân phận giữa họ đến như vậy!
Hoàng
là một chuyên gia nghiên cứu về văn học Nga, tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ”,
nhưng bằng những kiến thức rất phổ thông của mình, tôi thấy, những Puskin, Exênhin,
Lecmontop …của Nga, và nói rộng ra, những bậc tài danh văn chương thế giới, nói
chung, thường có một cuộc đời không mấy bằng phẳng. Hoàng cũng hội đủ những yếu tố cần và đủ cho một
hành trình văn chương ở tầm mức văn hóa cao. Nhà văn, không ai muốn lựa chọn một
cách “đi thực tế” dài hạn như Hoàng. Nhưng con đường của số phận hình thành lên
chính con người “tác giả Nguyễn Huy Hoàng”, và tác phẩm, có thể gọi nó là, “ những
đứa con tinh thần” của Hoàng được sinh ra từ chính thân phận của tác giả.
Tôi không thể nào đọc hết
được trong một thời gian ngắn 16 tác phẩm vừa văn, vừa thơ của Nguyễn Huy
Hoàng. Nhưng, những gì tôi đã đọc được, nó
toát lên mấy nét chính trong toàn bộ các sáng tác của Nguyễn Huy Hoàng, như
sau:
Một là, như
mọi nhà văn khác, văn thơ Nguyễn Huy Hoàng cũng tựa lưng vào miền quê tuổi thơ
yêu dấu của mình. “Càng đi xa, mảnh đất ấy càng trở nên da diết, nó là sự ám ảnh
suốt đời của anh. Dù đi muôn nơi vẫn nhớ
về nguồn cội. Quê hương, đó
không phải là dư chấn của những sự kiện, hay là những bước ngoặt trong đời, mà
là những hình ảnh bình thường nơi xóm mạc, khi càng xa cách thì càng hóa thiêng
liêng. Những vẻ đẹp lộng lẫy, hào nhoáng của thị thành hay cảnh hùng vĩ của
thiên nhiên Nga cũng không thể nào thay thế được hình ảnh mộc mạc, quê mùa nơi
chôn nhau, cắt rốn.” …Đồng
sau vụ gặt óng vàng rạ rơm/ Cá đàn quẫy động ao chuôm/ Gà trưa đánh thức khu vườn
nắng hanh
Hai là, nước Nga, người
Nga, thiên nhiên Nga gắn với một hoàn cảnh, một tâm trạng rất riêng của Hoàng. Với bao
nhiêu năm mỏi mòn đợi con, đi tìm con, trải
qua bao đêm dài trăn trở không phải chỉ trong căn phòng ở thủ đô Mátxcơva, mà gần
30 năm trên những chặng hành trình dằng dặc khắp nước Nga mênh mông. Đã từng ngả lưng bên những cánh rừng trong đêm
Hè mát mẻ, từng cuộn mình trong lều da bạt khi xung quanh tru lên tiếng sói săn
mồi hay từng duỗi chân bên những bếp lửa rực hồng tận cực bắc lạnh gần 50 độ dưới
âm”….” Và nước Nga, nơi gánh chịu biết bao nhiêu tủi cực/ Tôi tự nguyện đặt
trái tim rớm máu dưới chân Người!” Tình yêu nước Nga, ân tình với nước Nga, phong
cảnh thiên nhiên Nga là một mảng đề tài sáng tác tương đối tập trung và đặc sắc
trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Huy Hoàng.
Ba là, Hoàng là một nhân chứng lịch sử về cuộc
thay đổi vĩ đại, không chỉ riêng với nước Nga, châu Âu, mà là, chứng nhân sự
thay đổi diện mạo chính trị của toàn thế giới. Nước Nga là “mắt bão” của cuộc sụp
đổ có tính toàn cầu của phe Xã hội chủ nghĩa. Sự thay đổi về ý thức hệ làm cho,
không chỉ về kinh tế, đời sống…mà cả nơi sâu thẳm nhất của con người là tâm hồn
cũng có nhiều thay đổi theo. Hiện thực cuộc sống trên đất nước Nga kéo theo một
hiện thực khác, không kém phần quan trọng với nhà văn là, sự hình thành một cộng
đồng người Việt trên đất nước Nga. Hoàng kể rằng: “…những năm tháng kỳ vĩ đã
qua và một thực tại nghiệt ngã đang đến. Nước Nga của những năm chín mươi không
còn là hình ảnh long lanh trong tâm tưởng của những người từng sống và yêu, từng
đến và đi của những tháng năm vàng son Xô Viết. Cái cảm giác thanh bình, nên
thơ của Liên Xô một thời được thay thế bằng sự khó khăn, bất an mà những người
lao động Việt có mặt ở nước Nga luôn nơm nớp mang theo trong hành trang trong
suốt những năm chín mươi. Hơn 200 ngàn công nhân Việt tại Nga, sản phẩm của mối
tình hữu nghị Xô Việt, trừ một số về nước, số còn lại, rời các nhà máy, công xưởng,
bước vào kỷ nguyên thương trường mới, một nghiệp nghề hoàn toàn lạ lẫm mà cuộc
sống đã tạm cấp chứng chỉ cho, mặc dù họ không hề được đào tạo, không hề có vốn
liếng và không hề có kinh nghiệm. Họ đối mặt với cuộc mưu sinh cơm áo với lẽ sống
còn, với một phẩm chất quyết liệt vốn có trong dòng máu Việt như những người đi
mở đất”. “Chúng tôi sống âm thầm, vai nặng gánh/ Đi muôn nơi vẫn nhớ đến cội
nguồn/ Lòng nhẫn nhục trước bao điều ngang trái/ Mặt đẫm tràn nước mắt, vẫn bao
dung!
Những sáng
tác của Nguyễn Huy Hoàng trong mấy chục năm qua chỉ xuay quanh ba mảng đề tài lớn đó. Không thể lượng định
rành mạch được về lượng, mà trong từng tâm trạng, trong từng tác phẩm truyện ngắn,
thơ hay ký, nó luôn lồng ghép vào nhau, khi là cái chung, khi là cái riêng giữ
vai trò chủ đạo trong tác phẩm, nhưng nhìn chung, sáng tác của Nguyễn Huy Hoàng
luôn có ba yếu tố này đan xen như là những
tham số chủ yếu tham gia và chi phối tư tưởng chủ đạo của tác phẩm.
Tôi
đã có bài viết về thơ Nguyễn Huy Hoàng,
in trên báo Bà Rịa- Vũng Tàu Chủ nhật và trên trang Web “Người bạn đường” của Hội
Văn học- Nghệ thuật Việt Nam tại Liên ang Nga, rằng, Thơ Nguyễn Huy Hoàng phảng
phất thơ trữ tình Nga thế kỷ thứ 18, đặc biệt là thơ Puskin. Đó là giọng thơ cổ
kính, tự sự, giãi bày. Về hình thức, thơ Nguyễn Huy Hoàng là thơ truyền thống,
thơ lục bát, thơ 5 chữ và thơ 8 chữ . Thơ lục bát Nguyễn Huy Hoàng khá nhuyễn. Có cảm
giác như cảm xúc, tình cảm, nỗi niềm của tác giả tràn lên mặt giấy. Nó không bị
khiên cưỡng bởi niêm luật, vần nhạc, nó như là chính tâm hồn tác giả. Tuy không
có những biến ảo tài hoa, nhưng những xúc cảm nội tâm được triển khai trong một
mạch thơ phóng khoáng, liền nhịp. Không ít những chi tiết của hiện thực đời sống
chạm khía được vào kinh mạch bản chất tình cảm của lòng người. Anh viết về cảnh
quê, về đời sống nông thôn, về những thân phận của người dân quê, trong quá khứ
cũng như hôm nay, bằng sự thấm thía từ chính cuộc đời mình, từ sự thông cảm sẻ
chia sâu sắc. Giá trị nhân văn của thơ Nguyễn Huy Hoàng là ở chỗ. anh nhập cuộc,
nhập tâm những số phận, những hoàn cảnh nên khi viết, là viết tự lòng mình, chứ
không viết bằng sự nhân danh ai, viết hộ ai. Bây giờ, nhìn lại, tôi chỉ muốn bổ
sung thêm một chút nữa những nhận định
trên đây của mình, rằng, thơ Hoàng, còn thấm đẫm chất “Nguyễn Du- Truyện Kiều” Việt
Nam nữa.
Giữa
những ngày liên hoan thơ Châu Á- Thái Bình Dương bận rộn với nhiều hoạt động,
nhiều cuộc gặp gỡ song phương, đa phương, Hoàng hẹn tôi, nhà thơ Nguyễn Duy,
nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Trần Quang Qúy tổ chức một bữa tiệc mi-ni
trên nhà hàng nổi hồ Thuyền Quang Hà Nội.
Anh Nguyễn Bá Chung ở Mỹ về, hôm ấy, bận dự liên hoan ở nhà riêng Nguyễn Quang
Thiều không dự được, anh gửi chai Chivat 12 xách tay, Hoàng có món fomat sợi của
Nga, uống với rượu Chivat rất bắt. Những kỷ niệm ít ỏi với nhau từ Vũng Tàu,
Moskva, Hà Nội, Hạ Long, .. Đó là chút vốn liếng tôi có để viết bài này. Tuy nhiên, tôi không có ý viết để ôn lại
những kỷ niệm đã qua, chỉ muốn, viết những gì mà mình cảm nhận được thông qua
cuộc đời và văn chương của Hoàng mà thôi.!
Khi tôi ngồi viết những
dòng này, Moskva đã vào thu. Nước Nga lạnh ngay cả khi đang là mùa hè. Bây giờ
bên đó đã có tuyết rơi rồi! Không biết cái chân gút của Hoàng dạo này đã đỡ
chưa? Ừ nhỉ! Gút “Good” tiếng Anh là (tốt, hay,
tuyệt), nhưng gút “gout” này lại là đau (
đau sưng khớp). Bất giác, tôi nghĩ về Nguyễn Huy Hoàng- Hoàng là nhà thơ vừa good= tốt, hay, tuyệt vừa có cả gout= đau khớp
nữa! Mong cho Nguyễn Huy Hoàng chấm dứt được cái gout= đau chân này đi!
Vũng tàu chủ nhật 11/10/2015
L.H.M
(TB: Bạn đọc thân mến!
Dù rất mong manh, nhưng mong các bạn đọc bài viết này, không
chỉ để thông cảm với một hoàn cảnh éo le, mà còn có thể từ một tình cờ hy hữu
nào đó, giúp phát hiện cung cấp thông tin
về cháu Quỳnh Nga. cho gia đình Bố Mẹ
cháu thì tốt quá.)
Nếu có được thông tin
gì, mong bạn đọc liên lạc theo địa chỉ: http://seekmissingdaughter.site90.com/Viet/index.html NHH)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét